Chiến lược đầu tư theo dấu dòng tiền
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế còn nhiều bất định và lãi suất huy động liên tục giảm, thị trường chứng khoán đang trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng hay bất động sản, bởi yêu cầu vốn thấp và tính thanh khoản cao. Theo đó, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài cũng đẩy mạnh đầu tư cổ phiếu, bất chấp các số liệu kinh tế vĩ mô không thực sự khả quan.
Số liệu về nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán được công bố mới đây cũng phần nào thể hiện sức hút của thị trường chứng khoán đang dần trở lại. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) tại ngày 31.8, trên hệ thống của VSD có hơn 2,564 triệu tài khoản giao dịch trong nước, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
Trong tháng 8, có hơn 28.362 tài khoản của nhà đầu tư trong nước được mở mới, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Như vậy, so với tháng 7, tốc độ tham gia vào thị trường chứng khoán của nhà đầu tư mới có phần cải thiện, tăng 4,4%.
Một điểm đáng chú ý, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 8 đạt mức cao nhất kể từ tháng 2.2020. Cụ thể, trên hệ thống của VSD tại ngày 31.8 có hơn 33.829 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, mở mới 229 tài khoản, tăng hơn 11% so với tháng trước.
Ngoài ra, theo thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dư nợ cho vay ký quỹ tăng mạnh kể từ cuối tháng 7 cho thấy sự “hào hứng” của các nhà đầu tư hiện tại trên thị trường (ước tính sơ bộ của VDSC ghi nhận cho vay ký quỹ vào cuối tháng 8 đã tăng 40% so với tháng 6).
Liên quan đến khối ngoại, VDSC đánh giá dòng tiền mới đã chảy vào các quỹ chuyên nghiệp hàm ý tín hiệu tích cực đối với các chỉ số chứng khoán. Mặc dù một phần lượng tiền mặt này có thể được giải ngân vào các cổ phiếu vốn hóa trung bình, nhóm vốn hóa lớn vẫn được ưa chuộng hơn do cơ bản tốt và tính minh bạch. Điều đó có thể đẩy VN-Index lên mức cao hơn trong tháng 9.
“Khi xem xét P/E của nhóm VN30, VN70 (nhóm vốn hóa trung bình) và VNSML (nhóm vốn hóa nhỏ), chúng tôi thấy rằng chỉ có P/E của VN30 còn thấp hơn so với quá khứ”, VDSC nhận định.
Trong khi đó, mặc dù nhóm VN70 và VNSML trông có vẻ rẻ hơn VN30 nhưng không còn hấp dẫn hơn khi xem xét P/E lịch sử của các nhóm này. Do vậy, VDSC cho rằng chiến lược đầu tư theo sát dòng tiền của các quỹ chuyên nghiệp vẫn là chiến lược phù hợp trong năm 2020. Từ danh sách các cổ phiếu theo dõi của mình, VDSC đưa ra các cổ phiếu vẫn còn tiềm năng tăng giá ở hiện tại bao gồm MWG, VRE, PNJ, KDH, HPG, REE, FPT, VPB và MBB.
Công ty chứng khoán này cũng lưu ý rằng triển vọng của cổ phiếu được đưa ra dựa trên việc xem xét triển vọng kinh doanh và yếu tố cơ bản của các Công ty. Nhu cầu cao từ các nhà đầu tư có thể đẩy giá cổ phiếu lên mức cao hơn so với giá trị nội tại của cổ phiếu.
|
Thị trường có thể bứt phá vì vốn ngoại
Trước việc thanh khoản đặc biệt tăng đột biến những ngày cuối tháng 8, đi kèm với cú bứt phá của thị trường, báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng, hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tích cực hơn khi mà một lượng tiền lớn từ khối này có thể sẽ giải ngân vào đầu tháng này.
Theo VDSC, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì bán ròng nhiều tháng qua, thông tin về việc các quỹ đầu tư chuyên nghiệp quốc tế huy động được một lượng tiền lớn phân bổ cho thị trường Việt Nam sẽ là một cú hích lớn.
Cụ thể, trước khi quỹ Đài Loan huy động được quy mô 160 triệu USD để đầu tư vào thị trường Việt Nam, Dragon Capital cũng đã huy động được một lượng tiền khá lớn cho quỹ của Vietfund Management.
Kể từ cuối tháng 6 tới nay, ước tính quỹ của Vietfund Management đã nhận được
khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng từ khối ngoại. Quỹ này đã giải ngân tương đương khoảng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng chỉ riêng tháng 8. Danh mục đầu tư của quỹ này đa phần là các cổ phiếu vốn hoá lớn và có thanh khoản cao.
Tuy nhiên, theo VDSC, xu hướng đi lên của thị trường trong tháng 9 có thể gập ghềnh hơn.
"Chúng tôi cho rằng xung lực từ tháng 9 và kỳ vọng về dòng tiền ngoại mới có thể giúp VN-Index vượt qua ngưỡng 900 của tháng 6 và có thể đạt tới 920 điểm. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng lực tăng vừa qua khó bền vững khi mà theo quan sát của chúng tôi, dư nợ ký quỹ (margin) cũng đã tăng mạnh theo cùng đà tăng của các nhóm cổ phiếu. Điều này có thể khiến tâm lý người nắm giữ cổ phiếu dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực", VDSC nêu quan điểm.
Rủi ro không chỉ đến từ yếu tố margin (dư nợ margin cuối tháng 8 ước tính tăng 40% so với tháng 6), mà còn đến từ định giá hiện tại của thị trường.
"Tóm lại, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ được hỗ trợ từ xung lực tăng của tháng 8 và kỳ vọng về một lượng tiền lớn từ khối ngoại sẽ giải ngân giúp VN-Index đạt mức 920 điểm", đại diện VDSC nói.
Tuy nhiên, cũng theo VDSC, đà tăng tháng 9 sẽ gập ghềnh hơn khi mà thị trường chứng khoán thế giới đang chuyển biến kém khả quan, trong bối cảnh nhà đầu tư trong nước đã gia tăng mạnh dư nợ ký quỹ.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ