Nở rộ quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ
Những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ để doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, kinh doanh. Kéo theo nhu cầu thị trường là hàng loạt chiêu trò kinh doanh xuất hiện. Trong đó, đáng quan ngại nhất là tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với thuốc điều trị,… tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng, nhiều đối tượng ngang nhiên đăng bán các sản phẩm được gán mác thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) có công dụng hỗ trợ và điều trị Covid-19 nhằm mục đích kiếm lời.
Vừa qua, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm viên uống TPBVSK Xuyên Tâm Liên được thổi phồng công dụng điều trị Covid-19. Đáng chú ý, phần lớn sản phẩm này chưa được cấp phép của Bộ Y tế và không có công dụng trong việc điều trị Covid-19 như quảng cáo.
Theo phản ánh của người tiêu dùng, tại fanpage có tên "Xuyên Ngân Kiều - Hỗ trợ điều trị viêm hô hấp" trên mạng xã hội Facebook, đang rộ lên thông tin quảng cáo về một sản phẩm TPBVSK có tên là Xuyên Ngân Kiều với nhiều công dụng như phòng ngừa và điều trị triệu chứng khởi phát viêm đường hô hấp cấp theo khuyến cáo của Bộ Y tế (Công văn 1306/BYT-YDCT). Người bệnh sử dụng bài thuốc ngân kiều tán cùng với vị thuốc xuyên tâm liên sẽ hạn chế được những triệu chứng khởi phát của bệnh, giúp bệnh giảm bớt, hỗ trợ điều trị và tăng sức đề kháng cho bệnh nhân.
|
Mặc dù phủ nhận sản phẩm được quảng cáo tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 nhưng trên trang mạng Facebook vẫn đăng tải thông tin viên uống Xuyên Ngân Kiều là chìa khoá phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19. Ảnh: Diệu Hương |
Tại website phân phối sản phẩm Xuyên Ngân Kiều (http://www.xuyenngankieu.com), viên uống này được biết đến là sản phẩm kết hợp bài thuốc đông y ngân kiều tán, xuyên tâm liên cùng các thành phần tây dược đã được ứng dụng lâm sàng tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, giúp dự phòng giảm nhanh các triệu chứng khởi phát do viêm đường hô hấp gây ra. Xuyên Ngân Kiều được sản xuất trên dây truyền đạt chuẩn GMP, đảm bảo hiệu quả tốt nhất đến tay người bệnh.
Đồng thời, website này còn đưa ra thông tin về tác dụng của xuyên tâm liên có trong thành phần của viên uống Xuyên Ngân Kiều. Theo đó, công dụng của sản phẩm được khẳng định thông qua cuộc thử nghiệm lâm sàng do Viện Nghiên cứu y học cổ truyền Thái Lan tiến hành trên những bệnh nhân đã biểu hiện triệu chứng viêm đường hô hấp nhẹ như đau họng, nhức đầu, ho hay sổ mũi. Tuy nhiên, tại website này và cả trên trang mạng xã hội Facebook lại không công bố các bằng chứng và tài liệu về lịch sử chữa bệnh lâu dài của sản phẩm.
Theo tìm hiểu của phóng viên Chất lượng Việt Nam, sản phẩm này được sản xuất tại Công ty Cổ phần dược BMP (địa chỉ tại thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Đơn vị phân phối và chịu trách nhiệm sản phẩm là Công ty Cổ phần Thương mại dược phẩm Bình Minh và Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Evercare (địa chỉ tại thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).
Cẩn trọng tiền mất tật mang
Để làm rõ thông tin về sản phẩm, trong vai người mua hàng, phóng viên đã liên hệ đến số điện thoại 0374921xxx được đăng tải trên website http://www.xuyenngankieu.com. Tại đây, nhân viên tư vấn cho biết, sản phẩm viên uống TPBVSK Xuyên Ngân Kiều được sản xuất bởi Công ty Cổ phần dược BMP và đã được cấp giấy phép. Sản phẩm có công dụng hỗ trợ và điều trị viêm đường hô hấp, trị ho, viêm họng.
Nhằm tăng tính thuyết phục cho sản phẩm, người này cho biết, sản phẩm Xuyên Ngân Kiều có thể sử dụng để chữa các bệnh như viêm họng, ho do thời tiết, thậm chí là hỗ trợ điều trị bệnh lây qua đường hô hấp. Cụ thể, nhân viên tư vấn đề cập tới khái niệm viêm đường hô hấp trên thay vì nói là điều trị Covid-19 với lý do từ ngữ nhạy cảm trong bối cảnh hiện tại.
Người này giải thích, vừa qua, báo đài đã đưa tin xuyên tâm liên có tác dụng hỗ trợ và điều trị Covid-19. Trong thành phần của viên uống Xuyên Ngân Kiều chủ yếu là xuyên tâm liên và ngân kiều tán. Covid là do virus gây ra, xuyên tâm liên và ngân kiều tán có tác dụng phòng ngừa virus. Bởi vậy, người tiêu dùng có thể sử dụng Xuyên Ngân Kiều để phòng chống Covid-19.
|
Viên uống Xuyên Ngân Kiều có hướng dẫn sử dụng như một loại thuốc chữa bệnh. Ảnh: Diệu Hương |
Khi được hỏi những giấy tờ liên quan về sản phẩm thì người này cho biết, chỉ có giấy công bố sản phẩm. Ngoài ra, không có bất cứ giấy tờ nào khác.
Đối với những thông tin về việc sản phẩm TPBVSK Xuyên Ngân Kiều quảng cáo có dấu hiệu sai quy định pháp luật, dư luận không khỏi thắc mắc liệu Công ty Cổ phần Thương mại dược phẩm Bình Minh và Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Evercare (đơn vị phân phối, công bố sản phẩm) có chịu trách nhiệm? Những website quảng cáo “thổi phồng” chất lượng sản phẩm TPBVSK Xuyên Ngân Kiều có phải do hai công ty này điều hành? Nếu chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?
Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, phần lớn quảng cáo thực phẩm chức năng/TPBVSK qua mạng xã hội không đúng sự thật. Để nhận diện vi phạm quảng cáo, nếu thấy một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo: Dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo; Lấy danh nghĩa bài thuốc Đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật; Dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng; Quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia, quảng cáo "đẩy lùi" bệnh tật...
Thực phẩm chức năng, TPBVSK vốn là sản phẩm tốt, hỗ trợ cho việc phục hồi, duy trì hoặc tăng cường chức năng nào đó của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể. Ngoài ra sản phẩm có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật… Vì thế, người tiêu dùng không nên tẩy chay thực phẩm chức năng nhưng không tin vào quảng cáo sai sự thật chữa bệnh nọ bệnh kia.
Đồng thời, thực phẩm chức năng/TPBVSK trước khi quảng cáo phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo những nội dung đã được thẩm định. Trong khi đó, nhiều đơn vị sẵn sàng quảng cáo nói quá công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong khi đó chỉ là sản phẩm có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người.
Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm cũng quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.