Cụ thể, đợt triệu hồi mới đối với 49 chiếc Mercedes-Benz thuộc các dòng GLA, CLA và A-Class nhằm để kiểm tra và thay thế trục dẫn lái. Theo đó, những xe này được nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam và sản xuất tại nhà máy của hãng ở Đức từ tháng 11/2016 đến tháng 2/2017.
Cụ thể, những dòng xe này gồm các phiên bản: Mercedes-Benz A 200, A250, AMG A 45 4MATIC (số loại 176), GLA 200, 250, AMG GLA 45 4MATIC (số loại 156) và CLA 200, 250, AMG CLA 45 4MATIC (số loại 117).
Theo nguồn tin ô tô nội bộ từ tập đoàn Mercedes-Benz, nguyên nhân dẫn đến lỗi kể trên xuất phát từ việc lỗ khoan gắn trong ổ bi trong khớp nối tại trục dẫn động bánh lái dưới vô lăng không tương thích với những thông số kỹ thuật do nhà sản xuất công bố. Sự sai lệch này xuất phát từ quá trình sản xuất của đối tác cung cấp linh kiện của Mercedes-Benz.
|
Sự sơ suất đó có thể dẫn đến việc ổ bụng bị tăng độ rơ theo thời gian, tiếng ồn tăng lên khiến người điều khiển không còn cảm nhận được cảm giác lái thực. Trong trường hợp những biểu hiện trên không được phát hiện và khắc phục kịp thời, ổ bi có thể bị lỏng, làm ảnh hưởng đến độ ổn định lái của xe, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Đợt triệu hồi lần này sẽ kéo dài tới hết 31/12/2025 tại các đại lý và trung tâm dịch vụ ủy quyền của Mercedes-Benz Việt Nam. Thời gian khắc phục khoảng 1,5 giờ mỗi xe và hoàn toàn miễn phí. Người dùng đang sử dụng xe thuộc chương trình triệu hồi này có thể liên lạc với đại lý ủy quyền của Mercedes-Benz Việt Nam để được kiểm tra, thực hiện sửa chữa đúng tiêu chuẩn.
Mercedes-Benz Việt Nam cũng cho biết, sẽ hỗ trợ triệu hồi đối với cả các xe nhập khẩu có nguồn gốc không chính hãng (như qua di chuyển tài sản, ngoại giao, cá nhân, hoặc nhập khẩu qua đại lý độc lập...).
Trước đó, Mercedes Việt Nam cũng từng triệu hồi 3.286 xe lỗi túi khí. Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt chương trình triệu hồi đối với các xe Mercedes C200, C250 Blue Efficiency, C300 và GLK 250 4Matic, GLK 220 CDI 4Matic, GLK 300 4Matic. Những sản phẩm này được Mercedes lắp ráp trong nước trong giai đoạn tháng 5/2011 - 7/2015.
Nguyên nhân triệu hồi đến từ bộ bơm khí, một phần của cụm túi khí, chứa nhiên liệu rắn bị đốt cháy khi túi khí được kích hoạt. Trên các xe Mercedes lắp túi khí do hãng Takata cung cấp, bộ bơm khí có thể được sản xuất với nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian và trong điều kiện khí hậu nhất định.
Trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong quá lớn và dẫn đến khả năng bộ bơm khí bị nứt vỡ. Túi khí khi đó có thể không phát huy tác dụng hạn chế va đập và những người ngồi trong xe có thể có nguy cơ bị chấn thương do các mảnh vỡ của bộ bơm khí văng ra bên trong xe.
Lỗi túi khí Takata là một trong những bê bối lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô trong 10 năm qua. Nhiều hãng xe như Toyota, Honda, Audi... cũng đã có những đợt triệu hồi tương tự tại Việt Nam để thay thế túi khí lỗi.