|
Đất tại các huyện ven đô mặc dù không có thông tin hỗ trợ vẫn tăng giá. |
Câu chuyện bong bóng BĐS năm 2011 dường như đang hiện hữu trở lại với nhiều dấu hiệu cho thấy giá BĐS ở nhiều khu vực đang được đẩy lên khá cao, thị trường đang sôi động.
Tiền đổ mạnh vào BĐS
Câu chuyện sốt đất ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước là một ví dụ điển hình. Khu vực này mới chỉ nghe phong thanh sẽ xây dựng sân bay Téc-ních, “cò đất”, môi giới và khách hàng đã nườm nượp kéo tới xem đất. Giá đất ở đây biến động không lường, đất nông nghiệp đang từ vài chục triệu đồng/m ngang, chỉ qua một vài ngày đẩy lên 350 triệu đồng/m ngang.
Tương tự, cơn sốt đất ở xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, xung quanh khu vực khảo sát xây sân bay Phan Thiết cũng ào ào tăng giá, bất chấp lời cảnh báo của chính quyền địa phương.
Tại TP. HCM, giá đất ở Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ chi... cũng tăng giá mạnh khi có thông tin thành phố chuẩn bị xây dựng Đề án chuyển đổi một số huyện thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021 – 2030, giá đất ở đây lập tức tăng. Đơn cử như giá đất ở khu vực này cách đây 2 năm chỉ khoảng 28 triệu đồng/m2, thì nay tăng lên 40 triệu đồng/m2, nhiều nơi có vị trí đẹp còn tăng từ 90 triệu lên 130 triệu đồng/m2.
Tại phía Bắc, khắp các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận ven đô cũng bất chấp dịch Covid-19 đang bùng phát nhưng "cơn sốt" đất vẫn ngày một cao. Đặc biệt, một số huyện ngoại thành Hà Nội, mặc dù không có thông tin nhưng giá đất thổ cư, đất nông nghiệp đều tăng. Riêng các huyện Gia Lâm, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì... thì tăng giá với thông tin về Đồ án quy hoạch hai bờ sông Hồng.
Nhìn lại, "cơn sốt" đất lần này không khác mấy đầu những năm 2010 khi người dân ồ ạt đổ tiền vào đất, bất chấp dịch bệnh, bất chấp giá tăng lên từng ngày. Hơn nữa, ở một số địa phương khi có sự vào cuộc của chính quyền địa phương thì cơn sốt lập tức hạ nhiệt, giao dịch hoàn toàn về con số 0.
Bình luận về vấn đề người dân ồ ạt đổ tiền vào BĐS, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, trong giai đoạn này người dân không thể cứ đổ tiền vào kênh đầu tư không có lời, gửi tiền tiết kiệm, rõ ràng khi cầm tiền phải có yếu tố sinh lời. Dòng tiền có xu hướng vận động, dòng tiền vào chứng khoán thường đi trước sóng BĐS 1 năm, sau khi dòng tiền chốt sẽ đẩy sang BĐS và như vậy giá trị BĐS cũng phải tăng lên.
“Nhìn lại thị trường những năm 2007 - 2009 sẽ thấy điều đó, ngay cả các nước cũng thế, "sóng" chứng khoán đi trước, "sóng" BĐS đi sau”, ông Quốc Anh nói.
Khó xảy ra hiện tượng "bong bóng"
Ông Quốc Anh tỏ ra lo ngại về bong bóng BĐS có thể nổ ra bất cứ lúc nào và nguy cơ lặp lại chu kỳ 10 năm trước. Tính ra thị trường BĐS Việt Nam mới được hơn 30 năm, là một thị trường rất non trẻ. Khi còn non trẻ chúng ta phải chấp nhận "điệp khúc" tập đi, ngã, tập đi rồi ngã tiếp sau đó mới đứng vững được là chuyện bình thường.
"Không thể đòi hỏi ngay lập tức 1 đứa trẻ đi vững được ngay hay có thể chạy thoăn thoắt như người trưởng thành. Nhưng cũng không thể hôm nay ngã và lần sau lại ngã như thế. BĐS nếu cứ 10 năm "sập" một lần thì sao mà chống đỡ nổi", ông Quốc Anh nói.
|
Các chuyên gia cho rằng đây chỉ là đợt sốt đất ảo, Chính phủ vẫn kiểm soát tốt tín dụng vào BĐS nên năm 2021 không lặp lại kịch bản của năm 2011. |
Cũng phải nói thêm, thời gian qua, Chính phủ đã kiểm soát tín dụng vào BĐS rất tốt, nhà đầu tư vay mua BĐS không hề đơn giản, lãi suất huy động thấp, lãi suất cho vay không giảm. Thị trường đã có sự "trưởng thành" hơn trước. Còn người mua cũng thông thái hơn và thông tin thì minh bạch hơn.
Chính vì vậy mà ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nói rằng, ông không tin vào giả thuyết về bong bóng BĐS.
“Chúng tôi tự tin rằng thị trường BĐS Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng ổn định. Bong bóng BĐS được tạo ra bởi các hoạt động cho vay và đầu cơ không kiểm soát. Sự tăng trưởng này không ở mức nguy hiểm hay mất kiểm soát, mà hoàn toàn nằm trong vùng an toàn”, ông Matthew Powell khẳng định.