Trong nguy có cơ
Báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, bất chấp đại dịch, bất động sản vẫn là kênh đầu tư được lựa chọn nhiều nhất khi có đến 29% số người được hỏi lựa chọn bất động sản như một kênh đầu tư hữu hiệu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tỷ lệ này áp đảo so với các kênh đầu tư khác như gửi tiền tiết kiệm (24%), vàng (17%), chứng khoán (12%). Như vậy, kênh nhà đất đứng đầu trong lựa chọn về đầu tư. Điều này không khó hiểu bởi từ lâu, với người Việt Nam, bất động sản không chỉ là tài sản có thể tăng giá theo thời gian mà còn là một kênh tích trữ và đảm bảo giá trị tài sản.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay, trong nguy có cơ, các công ty sau khi trải qua đợt dịch vừa rồi vẫn có được nhiều cơ hội để phát triển. Đầu tiên, đó là cơ hội nhìn từ chính hành vi của người tiêu dùng. Sự thay đổi về hành vi của người dùng sang tìm kiếm và mua sắm online nhiều hơn là cơ hội để các chủ đầu tư có thể thay đổi các phương án kinh doanh.
Thứ hai, người dân có nhu cầu ở thực nhiều hơn thay vì nhu cầu đầu tư đầu cơ nên các nhà phát triển có thể nghiên cứu xây dựng các dự án ở thực, có chất lượng cao, môi trường sống tốt.
Thứ ba là việc áp dụng công nghệ vào quá trình giao dịch bất động sản làm tăng năng suất, hiệu suất, đảm bảo số liệu chính xác nhất. Tuy nhiên, công nghệ không thể thay thế được con người trong lĩnh vực bất động sản, bởi đây là một cuộc chơi “cảm xúc” không thể thiếu yếu tố con người. Vấn đề ở đây là làm sao có thể sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả bán hàng.
Dự báo về kịch bản thị trường 6 tháng cuối năm, đại diện Batdongsan.com.vn cho biết, với kịch bản lạc quan, kinh tế tăng trưởng ổn định thì giá bất động sản ổn định, không giảm. Các loại hình bất động sản đầu tư lớn bị ảnh hưởng, còn loại hình nhà ở chung cư, nhà riêng vẫn tăng trưởng bình thường.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, trong quý 2/2020, thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều. Phần lớn giao dịch sẽ chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu thực của người dân vẫn ở mức cao. Nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn không nhiều, kịch bản hiếm hàng mới tiếp tục kéo dài. Giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh và cũng không giảm vì lượng hàng tồn không nhiều.
Giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm (cả từ giai đoạn trước và sau thời điểm dịch bệnh). Thực tế này sẽ gây nên áp lực vốn cho các dự án buộc chủ đầu tư phải giảm giá.
Ông Đính cho rằng thị trường nhà đất và đất nền sẽ vẫn là sản phẩm chủ đạo tại nhiều tỉnh, thành ngoài Hà Nội và TP.HCM. Với diễn biến hiện tại, giao dịch chắc chắn sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Ở mỗi địa phương, rất có thể tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước. Giá bán nhà đất và đất nền phụ thuộc vào chất lượng và tiến độ phát triển đô thị cũng như số lượng nguồn cung tại từng địa phương. Khu vực nào có sự đầu tư phát triển đô thị, kinh tế tốt, nguồn dự án chưa nhiều, giá đất trước đó được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục giữ giá và có thể tăng vì những vùng như vậy vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngược lại, khu vực nào đang tồn nhiều hàng và tốc độ phát triển kinh tế, đô thị không tương xứng thì giá bán có thể giảm.
Về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Đính cho rằng quý 2/2020 có thể vẫn diễn ra trạng thái “ngủ đông” đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bởi đây vẫn là giai đoạn chưa kết thúc các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Nếu đến tháng 5 và tháng 6, Việt Nam ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh thì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thể sẽ thức tỉnh và có sự khởi động.
|
Người có tiền vẫn mua nhà đất