Quy hoạch một đằng, công bố thông tin một nẻo
Như chúng tôi đã thông tin từ bài viết trước, dự án Emerald Golf View (phường Lái Thiêu, thị xã Thuận an, tỉnh Bình Dương) hiện do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong (Công ty Lê Phong) làm chủ đầu tư.
Dự án được chủ đầu tư giới thiệu có tổng diện tích 8.627,7m2 với 2 block gồm 40 tầng nổi và 2 tầng hầm. Trong đó, tầng 1-2 là khu vực nhà trẻ và shophouse, tầng 3-4 là khu vực bãi đậu xe, tầng 5 là khu sinh hoạt cộng đồng, tầng 6 là khu vực hồ bơi và căn hộ. Từ tầng 7 đến tầng 40 là các căn hộ thương mại, Duplex, Penhouse...
Dự án có tổng cộng 1.091 căn hộ, diện tích từ 52m2 – 115m2. Giá bán rơi vào khoảng 37 – 42 triệu đồng/m2, cao nhất nhì tỉnh Bình Dương ở thời điểm hiện tại.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 28/2/2020, UBND thị xã Thuận An đã ban hành Quyết định số 760/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 Khu nhà ở thương mại dịch vụ cao tầng Lê Phong Bình Dương.
Đáng chú ý, theo thông tin tại quy hoạch 1/500 này, khu đất mà công ty Lê Phong sở hữu có tổng diện tích 8.627,7m2. Thế nhưng, phần diện tích được lập quy hoạch chỉ là 7.137m2. Phần đất còn lại, có 885,1m2 là đất thuộc hành lang an toàn đường bộ, và 605,6m2 đất thuộc phạm vi giải toả trắng.
Cũng theo quy hoạch 1/500 này, mật độ xây dựng khối đế dự án là 50,1%, trong khi mật độ xây dựng khối tháp là 40,1%.
|
Dù chỉ được lập quy hoạch trên diện tích đất 7.137m2, nhưng Công ty Lê Phong vẫn đang giới thiệu dự án Emerald Golf View với diện tích 8.627,7m2. |
Đến đây, có thể thấy được sự “chênh lệch” trong diện tích đất dự án được cơ quan chức năng phê duyệt so với công bố của công ty Lê Phong. Diện tích chênh lệch này, liệu có phải là sự “mập mờ”, được công ty Lê Phong cố tình đưa ra nhằm tăng thêm sức thuyết phục cho dự án “đẳng cấp” của mình?
Sự thật về dự án 2 mặt tiền
Theo giới thiệu của nhiều nhân viên sale công ty DKRS – đơn vị phân phối chính của dự án, Emerald Golf View sở hữu vị trí đắc địa với 2 mặt tiền quốc lộ 13 và đường vào sân golf Sông bé. Đây là vị trí trung tâm thành phố mới Thuận An, nơi tập trung hàng loạt những tiện ích hiện đại nhất của Thuận An. Tiêu biểu như: bệnh viện Quốc tế Miền Đông, bệnh viện Quốc tế Becamex, bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, bệnh viện Colombia…
Thế nhưng, liệu “mặt tiền quốc lộ 13” như quảng cáo của chủ đầu tư có phải là sự thật?
Theo thông tin mà PV có được, khu đất thuộc dự án Emerald Golf View chính là thửa đất số 30, tờ bản đồ số 302 tại khu phố Bình Hưng Hoà, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, được Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận vào ngày 5/5/2017.
|
Sơ đồ thửa đất dự án The Emerald Golf View của Công ty Lê Phong |
Khu đất này, hiện đứng tên người sở hữu là ông Bùi Ngươn Phong, sinh năm 1972, địa chỉ thường trú tại phường Tam Phú, quận Thủ Đức. Được biết, ông Phong cũng chính là Tổng giám đốc của Công ty Lê Phong ở thời điểm hiện tại.
Như chúng tôi đã đề cập ở bên trên, dự án có 885,1m2 là đất thuộc hành lang an toàn đường bộ, và 605,6m2 đất thuộc phạm vi giải toả trắng.
Điều đáng nói, theo sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đi kèm với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên, thì toàn bộ phần đất thuộc phạm vi hành lang an toàn đường bộ và đất giải toả trắng, lại chiếm hết toàn bộ phần mặt tiền phía Đại lộ Bình Dương (tức mặt tiền quốc lộ 13) như quảng cáo của chủ đầu tư.
Vậy, việc dự án quảng cáo là nằm trên mặt tiền quốc lộ 13, liệu có đúng như sự thật? Nhất là việc phía Chủ đầu tư công bố diện tích dự án bao gồm cả phần đất thuộc hành lang an toàn đường bộ và phần đất thuộc phạm vi giải toả trắng, tức phần đất thuộc diện sẽ bị nhà nước thu hồi và sử dụng.
Trao đổi với PV về phần đất này, Luật sư Lê Ngô Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê Và Cộng Sự cho biết: theo quy định tại Điều 43 Luật giao thông đường bộ thì “Trong phạm vi đất dành cho đường bộ, không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, gồm công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực …” và “phần đất thuộc phạm vi này chỉ được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được làm ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ; nhưng việc sử dụng tạm này cũng phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản”.
Vậy, việc Công ty Lê Phong đưa cả phần diện tích hành lang an toàn đường bộ, và phần đất giải toả trắng vào phần công bố thông tin dự án của mình, phải chăng chính là hành động “lập lờ đánh lận con đen”, khiến khách hàng tin tưởng và mua sản phẩm tại dự án này? Bởi, nếu sau này, 2 phần đất nói trên được cơ quan chức năng xây dựng một công trình nào đó, phần “mặt tiền” này, liệu còn có như giới thiệu từ chủ đầu tư?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong những bài viết tiếp theo.