Khách hàng nên thận trọng!
Như Môi trường và Đô thị Việt Nam đã thông tin về việc: Khách hàng nên thận trọng với việc mua - bán các sản phẩm biệt thự của dự án dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn (xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) do Công ty cổ phần Archi Reenco Hòa Bình làm chủ đầu tư để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Cụ thể đó là: Theo GCNQSDĐ và tài sản gắn liền trên đất của dự án thì dự án chỉ có thời gian hoạt động đến năm 2059 và giai đoạn 2 của dự án hiện tại chưa đủ điều kiện bán hàng.
|
Khách hàng nên thận trọng với việc mua - bán các sản phẩm biệt thự của dự án dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn. |
Cho ý kiến về các rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải khi mua các sản phẩm bất động sản khi chưa đủ điều kiện, Luật sư Tạ Văn Phú – Giám đốc Công ty Luật Ánh Sáng Việt phân tích: Đã xác định chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản thì có nghĩa là giấy tờ pháp lý của dự án chưa đầy đủ. Do đó, việc khách hàng mua/nhận chuyển nhượng là không thể, chủ đầu tư cũng không được phép bán/chuyển nhượng. Một số trường hợp các chủ đầu tư lách luật ký kết các hợp đồng vay vốn, góp vốn để huy động tiền từ khách hàng thì đây là những hình thức giao dịch có nhiều rủi ro có thể dẫn đến mất tiền.
Luật sư “nội soi điểm mờ” về pháp lý của Dự án – Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình
Theo GCNQSDĐ quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BA 668336 mà UBND tỉnh Hòa Bình cấp cho Công ty Cổ phần Archi Reenco Hòa Bình thì dự án thuộc thửa đất số 100, tờ bản đồ số F48-115-119-C. Mục đích sử dụng đất là đất cơ sở sản xuất kinh doanh, có thời hạn sử dụng đến 7/6/2059, với diện tích 659702,2m2, nguồn gốc sử dụng: nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.
Như vậy, nếu xét theo GCNQSDĐ số BA 668336 thì chẳng có lý gì để cho Công ty Cổ phần Archi Reenco Hòa Bình được phép bán các sản phẩm của dự án và hứa hẹn có GCNQSDĐ cho từng sản phẩm riêng biệt với khách hàng được.
|
Đất cơ sở sản xuất kinh doanh được “biến” thành đất ở và thuộc về doanh nghiệp sở hữu lâu dài mà không qua hình thức đấu giá. |
Tuy nhiên, theo xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình thì UBND tỉnh Hòa Bình đã cho phép Công ty cổ phần Archi Reenco Hòa Bình chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện dự án khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Lâm Sơn.
Theo đó, trao đổi với Pv, bà Phạm Thị Mơ – Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình) cho biết: Dự án đã được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất 2 giai đoạn với tổng diện tích hơn 24ha, trong đó diện tích đất ở chiếm gần 9ha.
Cụ thể, tại Quyết định số 3335/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 và Quyết định 2524/QĐ-UBND 18/12/2017 UBND tỉnh Hòa Bình đã cho phép Công ty cổ phần Archi Reenco Hòa Bình thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất này. Cả hai quyết định đều do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình – Bùi Văn Khánh ký quyết định. Hiện nay, ông Bùi Văn Khánh đang giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.
Có thể hiểu sau hai quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình cho phép Công ty cổ phần Archi Reenco Hòa Bình chuyển đổi mục đích đất thì 9ha đất cơ sở sản xuất kinh doanh đã được chuyển thành đất ở và nghiễm nhiên thuộc về doanh nghiệp một cách lâu dài.
Xin được nhắc lại một lần nữa về nguồn gốc đất của dự án: Ngày 28/01/2011 UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản số 138/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và cho công ty Cổ phần Archi Reenco Hòa Bình thuê đất xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn. Theo đó, thu hồi 660.000m2 các loại đất tại xóm Kẽm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn do công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý để cho công ty Cổ phần Archi Reenco Hòa Bình thuê 659.702,2m2 đất để xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn, còn lại 297,8m2 là đất hành lang giao thông quốc lộ. Sau đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp GCNQSDĐ cho Công ty và thể hiện rõ thời hạn sử dụng đến 7/6/2059, nguồn gốc sử dụng: nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.
Như vậy, đất của Công ty lâm nghiệp “biến” thành đất cơ sở sản xuất kinh doanh rồi sau đó lại được “biến” thành đất ở và thuộc về doanh nghiệp sở hữu lâu dài mà không qua hình thức đấu giá. Về việc này, qua trao đổi với Pv bà Phạm Thị Mơ - Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất tỉnh Hòa Bình đã xác nhận.
Vậy việc cho phép doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất của UBND tỉnh Hòa Bình như vậy có đúng với các quy định của pháp luật. Phân tích về quyết định này của UBND tỉnh Hòa Bình, Luật sư Tạ Văn Phú – Giám đốc Công ty Luật Ánh Sáng Việt khẳng định: “Căn cứ quy định tại Điều 118 Luật đất đai 2013, với trường hợp này thì bắt buộc phải tổ chức đấu giá trước khi giao đất cho Chủ đầu tư thực hiện dự án”.
Phân tích thêm về trường hợp, nếu UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho từng căn biệt thự riêng lẻ mà không cần qua đấu giá thì có đúng quy định của pháp luật hay không? Luật sư Tạ Văn Phú cho hay: “Về mặt pháp lý, đây là Dự án được phê duyệt với mục đích sản xuất, kinh doanh, chủ đầu tư muốn chuyển sang dự án nhà ở thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích theo quy định. Nếu tách ra để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở riềng lẻ cho từng căn hay từng lô mà không thay đổi mục đích dự án là điều không thể. Mà theo quy định như hiện nay, nếu dự án được chuyển đổi mục đích thì sẽ phải thực hiện thủ tục đấu giá theo quy định tại khoản 1, Điều 118 Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn khác.”
Như vậy, qua những phân tích của Luật sư đó sẽ là những cơ sở xác đáng để UBND tỉnh Hòa Bình và Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình xem xét lại các quyết định của mình. Pháp lý của dự án có thực sự được tuân thủ đúng với các quy định của pháp luật hay không? Hơn ai hết, lãnh đạo sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình và đặc biệt là Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh là người phải trả lời dư luận. Đồng thời phải chịu trách nhiệm cao nhất nếu để xảy ra sai phạm hoặc thất thoát ngân sách trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin...
Theo Môi trường và Đô thị VN