Dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa Đá Thiên được tọa lạc tại tổ 17, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) do Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc (trụ sở Ninh Bình) làm Chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng. Được biết, dự án sử dụng trên 10 ha đất lúa. Để có thể triển khai, ngoài việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý thì dự án cần phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
|
Dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa Đá Thiên. |
Tháng 6/2019, tỉnh Thái Nguyên đã có tờ trình số 84 gửi Thủ tướng, đến nay vẫn chưa được sự chấp thuận. Dù vậy, doanh nghiệp đã tự ý thu mua đất lúa dưới hình thức hợp đồng (thỏa thuận) chuyển nhượng.
Chính quyền sở tại lý giải những bản hợp đồng giữa doanh nghiệp và người dân là hợp đồng đặt cọc dân sự. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy đây bản chất là hợp đồng thu mua đất và được “núp bóng” dưới cái tên “mỹ miều”: Hợp đồng (thỏa thuận) chuyển nhượng đất...
Hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng đất bỗng hóa… “phiếu thăm dò”?
Ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) nhận định việc doanh nghiệp làm hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền trên đất với hộ dân, cá nhân có đất trong vùng dự án là cách để Chủ đầu tư thăm dò, để biết người dân có đồng thuận, đồng tình với dự án hay không?
|
Ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ. |
Cũng theo ông Hà, doanh nghiệp và người dân mới dừng ở mức độ… thỏa thuận không phải chuyển nhượng đất nên không sai. Việc thỏa thuận là thỏa thuận khi dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt đi vào triển khai thì hộ dân, cá nhân có đất sẽ phải thực hiện chuyển nhượng cho doanh nghiệp như trong hợp đồng đã nêu.
Ở chiều ngược lại, ông Phạm Văn Bẩy, Trưởng phòng TNMT huyện Đồng Hỷ nhận định, “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất” là không đúng quy định vì không thể một hợp đồng ghi là thỏa thuận, dưới lại ghi là chuyển nhượng đất.
|
Ông Phạm Văn Bẩy, trưởng phòng TNMT huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. |
Nếu coi những hợp đồng thỏa thuận là những “lá phiếu” thăm dò ý kiến người dân về dự án như Chủ tịch thị trấn Trại Cau đưa ra thì việc thăm dò này được đánh giá là “có một không hai”, bởi trên thực tế chỉ cần người dân có đất đồng ý với nội dung ghi trong “lá phiếu” thăm dò và đặt bút ký thì sẽ nhận được hàng trăm triệu, thậm chí là nhiều tỷ đồng từ Chủ đầu tư?
Ngoài ra, theo ông Hà, những hợp đồng thỏa thuận trên là hợp đồng đặt cọc giữa doanh nghiệp và người dân có đất thuộc vùng dự án. Số tiền người dân nhận từ doanh nghiệp (70% tổng giá trị hợp đồng, lần 1) là tiền “đặt cọc” không phải tiền doanh nghiệp đối ứng “thu mua” đất như người dân phản ánh.
Đối chiếu câu trả lời của ông lãnh đạo thị trấn Trại Cau với nội dung trong hợp đồng thì hợp đồng không thể hiện là hợp đồng đặt cọc. Nội dung trong hợp đồng không có nội dung nào xác nhận số tiền chuyển giao giữa doanh nghiệp và hộ dân là tiền… đặt cọc như ông Nghiêm Sơn Hà nhận định.
Cũng liên quan đến nội dung trên, ông Phạm Văn Bẩy, trưởng phòng TNMT huyện Đồng Hỷ phủ nhận việc đánh đồng hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng đất là hợp đồng đặt cọc vì tên hợp đồng đã được ghi, thể hiện rõ ràng.
“Nếu hướng dẫn, tôi sẽ hướng dẫn họ làm biên bản đặt cọc hoặc giả sử ông Đỗ Khắc Thân (Giám đốc doanh nghiệp – PV) đứng ra với danh nghĩa cá nhân để thu mua thì không sai. Nhưng ở đây họ lại không biết làm nên mới không đúng quy định”, ông Bẩy xác nhận.
Cũng tại văn bản số 786 do bà Phạm Thị Yến, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ đánh giá: “Các văn bản thỏa thuận giữa công ty với người sử dụng đất và UBND thị trấn Trại Cau xác nhận như vậy là chưa đúng quy định”.
“UBND huyện Đồng Hỷ đã yêu cầu UBND thị trấn Trại Cau chấn chỉnh trong công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý về đất đai nói riêng phải thực hiện đúng quy định”, trích nội dung văn bản số 786 nêu.
|
Văn bản thỏa thuận chuyển nhượng đất giữa công ty với người dân có đất khi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt là chưa đúng quy định? |
Đánh giá về giá trị pháp lý của những bản hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng đất giữa doanh nghiệp và người dân có đất, ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch thị trấn Trại Cau xác nhận những bản hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng đất không có căn cứ, giá trị pháp lý làm thủ tục chuyển nhượng đất bởi vì không đúng với mẫu văn bản chuyển nhượng đất.
Có ý kiến cho rằng, những bản hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng bản chất là những hợp đồng thu mua đất giữa doanh nghiệp và người dân có đất. Việc nhận định là hợp đồng đặt cọc hay lý giải để Chủ đầu tư thăm dò người dân là cách giải thích thiếu cơ sở, chứng lý, thiếu thuyết phục.
Dưới hình thức hợp đồng thỏa thuận trên, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp Thiên Phúc đã “thâu tóm” gần 20 ha đất lúa, tổng 44 hộ dân trên địa bàn có dự án triển khai dù đến nay dự án vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đáng nói, hành vi có dấu hiệu thu mua đất trái luật trên chưa bị cơ quan chức năng địa phương “tuýt còi”, xử lý?
Ngoài ra, “số phận” của những thửa đất bờ xôi, ruộng mật đã đồng ý chuyển nhượng cho doanh nghiệp đang được sử dụng ra sao? Liệu những thửa đất được ví như “tấc đất, đất vàng” có đang bị bỏ hoang không khai thác, sử dụng gây lãng phí tư liệu sản xuất, gây thất thu lớn về giá trị kinh tế?
Biết sai sao không ngăn chặn, xử lý?
Liên quan đến phản ánh doanh nghiệp thu mua đất lúa của người dân khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau vẫn khẳng định, không có việc doanh nghiệp đi thu mua đất bởi “nếu doanh nghiệp chưa được phê duyệt mà đi mua đất của người dân là sai”.
|
“Nếu doanh nghiệp chưa được phê duyệt mà đi mua đất của người dân là sai”. |
Tuy nhiên trên thực tế, qua tác nghiệp, thu thập thông tin tại nhiều hộ dân có đất thuộc vùng dự án, PV ghi nhận có tình trạng doanh nghiệp đi thu mua đất lúa của người dân.
Theo bà V. (tổ 17 thị trấn Trại Cau) tiết lộ đã sang tay bán “đứt đoạn” cho Chủ đầu tư thửa đất có diện tích hơn 1.000m2 với số tiền nhiều tỷ đồng. Theo bà V., ngoài gia đình bà còn có gần 10 hộ khác cũng được Chủ đầu tư sang tiền để bán đất. Bà V. cho hay mọi giai đoạn như đàm phán, giao dịch với Chủ đầu tư đều được cẩn trọng lưu lại để làm bằng chứng phòng khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.
Như vậy, có cơ sở để nhận định doanh nghiệp có hành vi thu mua đất lúa tại thời điểm hồ sơ pháp lý chưa hoàn thiện; chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép. Lãnh đạo địa phương cũng có ý kiến nói rõ, việc thu mua đất lúa khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt là sai, vi phạm Luật đất đai nhưng đáng nói đến nay hành vi thu mua không bị ngăn chặn, có biện pháp xử lý kịp thời. Trái lại UBND thị trấn lại sử dụng con dấu để ký, đóng dấu chứng thực, có dấu hiệu “bật đèn xanh”, tiếp tay cho Chủ đầu tư thu mua đất trái luật?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Sở Hữu Trí Tuệ