Vì sao sai phạm về sử dụng đất quận Thanh Xuân tồn tại nhiều năm mà không bị xử lý?

DTVN 14:43 03/06/2020

Phải chăng các biện pháp của cơ quan quản lý là không đủ mạnh hay có gì đó chưa tường minh?

Hàng loạt sai phạm chờ xử lý, chờ đến bao giờ?

Sai phạm về trật tự xây dựng (TTXD) tại địa chỉ 28 Tô Vĩnh Diện đã được các cơ quan chức năng của TP Hà Nội chỉ rõ bằng các văn bản kết luận. Cụ thể là tại các văn bản: Số 10957/VP-ĐT ngày 20/11/2017, số 6478/VP-ĐT ngày 11/7/2017, số 4306/VP-ĐT ngày 15/5/2017, Thông báo số 41/TB-UBND ngày 14/3/2016; xử lý dứt điểm trật tự xây dựng tại số nhà 28 phố Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, xong trước ngày 05/3/2019.

Thế nhưng, từ thời điểm 05/3/2019 đến nay, sai phạm trật tự xây dựng tại địa chỉ số nhà 28 phố Tô Vĩnh Diện vẫn không được xử lý.

Tương tự như sai phạm tại địa chỉ 28 Tô Vĩnh Diện, địa chỉ số 85 phố Hạ Đình cũng rơi vào “chậm xử lý”. Đáng chú ý, ngày 19/6/2019, Đảng ủy - HĐND - UBND - MTTQ phường Thanh Xuân Trung có Báo cáo số 385 gửi UBND quận Thanh Xuân xin cho công trình sai phạm của ông Phạm Văn Thủy được tạm thời giữ nguyên hiện trạng với lý do vi phạm không lớn, không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan đô thị và thấp hơn các hộ liền kề.

Theo phản ánh từ phía gia đình nhà bà N.T.Chính và con gái là T.H.Yến trú tại số 1/85 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân đã có đơn kêu cứu tới các cấp chính quyền và báo chí với nội dung công trình số 85 phố Hạ Đình. Trong đơn bà Chính nêu rõ: "Công trình trái phép này xây dựng trên đất không có giấy tờ nguồn gốc, không được cấp phép xây dựng,..."

Để có thông tin khách quan về sai phạm, theo nội dung và lịch làm việc cụ thể PV có buổi làm việcUBND phường Thanh Xuân Trung và Đội quản lý trật tự đô thị quận Thanh Xuân. Trong buổi làm việc đại diện 2 cơ quan trên đều đã thừa nhận những sai phạm tại công trình số 85 phố Hạ Đình. Tuy nhiên, từ khi thi công và đi vào sử dụng gần ba năm nay không hiểu vì lý do gì mà công trình sai phạm trên lại có thể tồn tại sau khi nhiều lần bị kiểm tra từ phía cơ quan chức năng. Liệu có sự “tiếp tay” cho sai phạm tại đây?! Đáng nói, khi phóng viên yêu cầu được tiếp cận và cung cấp hồ sơ văn bản, nhưng cả Đội quản lý trật tự đô thị quận và UBND phường Thanh Xuân Trung đều không thể cung cấp.

Ngày 26/8/2019, UBND quận Thanh Xuân ban hành Văn bản số 1210 do ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân ký gửi Sở Nội vụ và Sở Xây dựng. Theo nội dung của văn bản này thì sai phạm tại công trình 85 phố Hạ Đình đã bị thu hẹp đi rất nhiều. Từ công trình vi phạm không phép ba tầng thành công trình chỉ có vi phạm ở phần đua ban công tầng hai và ba. Phó Chủ tịch quận này khẳng định: “UBND quận Thanh Xuân tạm dừng thực hiện quyết định cưỡng chế, giữ nguyên hiện trạng công trình tại số 85 Hạ Đình”.

Quan điểm của ông Thái đi ngược lại chính Thông báo số 104 ngày 4/1/2018 của UBND quận Thanh Xuân do ông Khổng Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân ký. Thông báo nói rất rõ, công trình 85 Hạ Đình xây dựng không phép. Trách nhiệm của UBND phường Thanh Xuân Trung là “chưa kịp thời ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm TTXD đô thị theo đúng thẩm quyền...”.

Tại Hạ Đình, công trình số 298 đường Khương Đình từng bị người dân phản ánh thi công có dấu hiệu vượt phép được cấp, điều đáng nói là công trình được chủ đầu tư thi công gấp rút hoàn thiện và đi vào sử dụng nhưng không bị lực lượng TTXD và chính quyền sở tại can thiệp, xử lý mặc dù nằm ngay cạnh trụ sở UBND và trụ sở Công An phường Hạ Đình.

Những sai phạm trên mới chỉ là số ít trong loạt sai phạm trật tự xây dựng đang tồn tại trên địa bàn quận Thanh Xuân nói riêng và địa bàn thành phố Hà Nội nói chung.

Sự chậm chạp trong xử lý đã tạo điều kiện cho hàng loạt sai phạm vào thế đã rồi

Để xảy ra hàng loạt sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý quận Thanh Xuân. Trong đó trách nhiệm trực tiếp là của Đội quản lý trật tự xây dựng. Dư luận cho rằng, cá nhân, doanh nghiệp bị xử phạt cho những hành vi sai phạm là thích đáng, thế nhưng cũng cần nghiêm trị cách quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng. Bởi chính sự chậm chạp trong xử lý đã tạo điều kiện cho các sai phạm khi bị phát hiện thường ở vào thế “đã rồi”. Thậm chí hình thành nhiều công trình mà không cần giấy phép xây dựng. Có tháo dỡ, khắc phục thì cũng rất khó khăn, tốn kém.Thực tế cho thấy, các sai phạm về xây dựng và đất đai chỉ được phát hiện khi gần hoàn thành, đã hoàn thành, đi vào hoạt động... Thậm chí nhiều sai phạm chỉ được phát hiện khi có phản ánh từ người dân.

Đối với những sai phạm này, khi nhận được thông tin phản ánh, hầu hết các lãnh đạo đều trả lời sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc hồ sơ công trình vi phạm cũng rất đầy đủ, đúng quy trình từ kiểm tra, xử phạt, đình chỉ, tháo dỡ nhưng rồi công trình vẫn còn đó, công trình mới tiếp tục mọc lên với những sai phạm mới hoặc tương tự.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Trần Hồng Hà từng phát ngôn: “Từ ngày 1/1/2018 không cho tồn tại tất cả các trình vi phạm quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng. Tất cả phải cưỡng chế, không có việc phạt lại cho tồn tại. Tất nhiên, để thực hiện được việc này thì phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức, phân cấp rõ ràng trách nhiệm”.

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Vì sao sai phạm về sử dụng đất quận Thanh Xuân tồn tại nhiều năm mà không bị xử lý? tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đô thị
Tin tức mới nhất