Chuyện cũ nhắc lại, khách hàng 8B Lê Trực vẫn "bế tắc" trong hành trình đòi nhà
Gần 5 năm phát hiện sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, TP.Hà Nội vẫn loay hoay chưa xử lý dứt điểm được vi phạm trật tự xây dựng tại đây khiến người mua nhà không khỏi bức xúc vì chậm được giao nhà.
Việc xử lý sai phạm tại 8B Lê Trực chậm trễ khiến cả trăm người dân đã bỏ hàng tỉ đồng mua căn hộ cả thời gian dài không được nhận nhà. Nhiều người mua nhà cũng bày tỏ nỗi bức xúc khi trong nhiều năm qua, Thủ tướng 6 lần chỉ đạo TP.Hà Nội phải xử lý xong vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực, dù vậy, tiến độ xử lý vi phạm vẫn trì trệ, bế tắc.
Thậm chí, đến chiều ngày 8/2 vừa qua, hàng trăm khách hàng tại 8B Lê Trực vẫn tiếp tục hành trình..."đòi nhà", mặc cho thời trời giá rét, mặc cho những nguy cơ về dịch viêm phổi cấp Corona đang hoành hành. Họ căng băng rôn “Yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền trả nhà cho cư dân – Mua nhà đã 5 năm nhưng chúng tôi chưa được về ở”, “Kính đề nghị Chủ tịch Thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm để trả nhà cho chúng tôi 8B Lê Trực” ngay dưới cổng vào công trình.
|
Chiều ngày 8/2 vừa qua, hàng trăm khách hàng tại 8B Lê Trực vẫn tiếp tục căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền trả nhà cho cư dân. |
"Nguyên nhân chưa được bàn giao là cơ quan chức năng của Hà Nội kiểm tra, kết luận công trình có vi phạm trật tự xây dựng, cần xử lý xong phần sai phạm trước khi chủ đầu tư thi công tiếp để bàn giao cho khách hàng. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà từ năm 2015 đến nay, TP.Hà Nội chỉ mới cưỡng chế phá dỡ được tầng 19 và tầng tum thang của công trình, gọi là giai đoạn 1 từ cuối năm 2016.
Giai đoạn 2, Hà Nội yêu cầu phá dỡ tầng 17 và tầng 18 của tòa 8B Lê Trực vi phạm chiều cao theo giấy phép xây dựng, nhưng hơn 3 năm qua, tiến độ cưỡng chế xử lý vi phạm vẫn dậm chân tại chỗ. Như vậy, làm sao không nghi ngờ năng lực cán bộ chuyên môn cũng như đặt nghi vấn về sự tắc trách của các cấp lãnh đạo quận Ba Đình, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND TP.Hà Nội?”, ông Nguyễn Văn Tuấn, 61 tuổi, người mua căn hộ tại dự án 8B Lê Trực buồn bã cho biết nói.
Trong buổi thông tin với báo chí vừa qua, người đứng đầu UBND quận Ba Đình thừa nhận, tới nay chưa có phương án phá dỡ giai đoạn 2 và không thể chốt được thời gian xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực.
Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình khẳng định, chỉ khi xử lý xong phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực thì người dân mới có thể được nhận căn hộ. Tuy nhiên, ông Chiến cũng thừa nhận, dù rất tích cực nhưng đến nay vẫn bế tắc chưa tìm được đơn vị thiết kế phương án phá dỡ tầng 17 và tầng 18.
|
Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình khẳng định chưa biết rõ khi nào sẽ hoàn thành cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực. |
Chưa kể, sau khi có thiết kế phương án phá dỡ còn phải tổ chức thẩm định, phê duyệt rồi tìm kiếm nhà thầu thi công, lập kế hoạch thi công phá dỡ rồi lại thẩm định kỹ trước khi cho triển khai… Thực hiện được các bước này, cần không ít thời gian nên chưa biết khi nào hoàn thành cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực.
Cũng theo ông Chiến, kết cấu kỹ thuật tòa nhà rất phức tạp, việc phá dỡ lại phải đảm bảo an toàn cho phần giữ lại sử dụng. Có thể vì lý do đó khiến ít đơn vị mặn mà với việc tham gia xử lý sai phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực.
Quận Ba Đình cũng tính đến việc thuê nhà thầu nước ngoài vào thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 tại tòa nhà 8B Lê Trực, đã được TP.Hà Nội đồng ý nhưng vẫn chưa biết khi nào tìm được.
Có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm?
Về phía chủ đầu tư, những năm qua, Công ty CP May Lê Trực đã nhiều lần gửi đơn thư khiếu nại tới các cơ quan chức năng về việc tổ chức cưỡng chế phá dỡ vi phạm của UBND quận Ba Đình. Đơn cử, theo nội dung văn bản kiến nghị ngày 3/2 vừa qua, Công ty CP May Lê Trực cho rằng, dự án 8B Lê Trực thuộc đối tượng không phải cấp phép xây dựng theo quy định.
Theo đó, việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định áp dụng cưỡng chế của UBND quận Ba Đình trên cơ sở GPXD là trái quy định của pháp luật.
Cũng trong văn bản kiến nghị, Công ty CP May Lê Trực còn cho rằng, dự án 8B Lê Trực thực hiện theo Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của UBND TP.Hà Nội và trong diện không phải cấp GPXD. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đưa ra lập luận khẳng định, GPXD cấp cho dự án 8B Lê Trực sai quy định pháp luật vì không đúng TCVN và sai với Quy hoạch chi tiết.
Có thể thấy, việc xử lý vi phạm tại 8B Lê Trực đang có những hiện tượng "đùn đẩy" trách nhiệm giữa chính quyền và chủ đầu tư. Điều này càng khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân mua nhà gặp khó khăn.
Họ trở thành nạn nhân của dự án sai phạm, thậm chí, nhiều gia đình cạn kiệt tiền thuê nhà phải sống nhờ người thân và cũng có cặp vợ chồng "tan vỡ" vì nợ nần. Do vậy, quyền lợi của người mua nhà cũng cần được các cấp, các ngành tính đến trong quá trình xử lý sai phạm...
Để khắc phục tình trạng này, cần có giải pháp kiên quyết chấn chỉnh, lập lại kỷ luật, kỷ cương trong việc cấp phép xây dựng, xử lý, khắc phục hậu quả vi phạm. Đặc biệt, cần làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, trong đó, có trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương và thanh tra xây dựng có biểu hiện bao che cho vi phạm. Chỉ khi chúng ta xử lý nghiêm những cá nhân có trách nhiệm này thì sự “thỏa thuận ngầm” cho vi phạm trong lĩnh vực xây dựng mới thực sự chấm dứt.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ