Niềm tin “mắc kẹt” suốt một thập kỷ
Năm 2010, 2 năm sau khi Hà Tây được sát nhập vào Thủ đô Hà Nội, giá đất tăng nhanh cùng sự bùng nổ của thị trường bất động sản, thời bấy giờ, hàng loạt dự án nhà ở chung cư mọc lên với mong muốn đi trước đón đầu xu thế
Hàng loạt đề án xây dựng cơ sở hạ tầng được duyệt và triển khai lại làm thị trường chung cư nóng hơn bao giờ hết. Trong đó, dự án Hattoco 110 Trần Phú, Hà Đông là một trong những dự án được đón chờ nhất. Thế nhưng giờ đây, Hattoco lại là cái tên khiến hàng trăm khách hàng ôm nỗi đau khôn nguôi suốt một thập kỷ
Được biết, dự án Hattoco khởi công từ năm 2009 với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng trên khu đất 4.992m2 với thiết kế tòa tháp 39 tầng nổi và 3 tầng hầm.
Năm 2009, chủ đầu tư dự án kêu gọi khách hàng có nhu cầu mua căn hộ thực hiện hợp đồng góp vốn 30% tổng giá trị căn hộ, dự kiến ban đầu Công ty Ba Đình sẽ bàn giao nhà vào quý III/2013. Cuối năm 2011, hợp đồng được chuyển thành hợp đồng mua bán, khách hàng được yêu cầu đóng thêm 20% giá trị căn hộ. Tuy nhiên, ngay khi ký hợp đồng mua bán không lâu, dự án đã dừng công trình do thiếu vốn.
Đầu năm 2013, chủ đầu tư chung cư Hattoco lại rầm rộ tuyên bố tái khởi động dự án sau một thời gian dừng thi công và tiếp tục lùi thời hạn bàn giao đến quý I/2016.
Vẫn sử dụng chiêu thức cũ bởi sự mong ngóng nhận nhà của khách hàng, năm 2016 chủ đầu tư này tái khởi động và yêu cầu khách hàng góp thêm 20%, chủ đầu tư hứa sẽ bàn giao nhà cuối năm 2017, tuy nhiên đến nay nhà vẫn không thấy đâu. Tính đến nay, tổng số tiền mà Ba Đình thu từ khách hàng đã hơn 400 tỷ đồng.
Năm lần bảy lượt chậm tiến độ, đến nay Hattoco không còn cả những lời hứa, không có một mốc cụ thể nào được thông báo từ chủ đầu tư. Nhiều người mua nhà nay đã di chuyển chỗ ở lên tận Điện Biên, hay trong Biên Hòa, tin tức về nhà cứ bặt vô âm tín.
Liên tục chây ì, đắp chiếu dự án, nhiều lần khách hàng tìm đến văn phòng nhưng ông Nguyễn Tiến Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Đình chưa từng xuất hiện trước khách hàng, luôn để cấp dưới gặp mặt và giải quyết sự vụ.
Chị Nga – một trong những khách hàng cho biết, chị mua căn hộ từ năm 2010, đến nay đã 10 năm. Mặc dù mua chênh vài giá do mua qua sàn phân phối nhưng thời điểm đó, chị mong chờ ở dự án rất nhiều bởi vị tri đẹp, gần chợ, gần đường sắt trên cao, thuận lợi cho con cái đi học cấp 1.
“Vốn dĩ gia đình tôi mua để ra ở riêng, giờ đã 10 cái Tết trôi qua, con tôi đã chuẩn bị vào cấp 3 nhưng cả gia đình vẫn phải ở chung với bố mẹ. Chờ đợi bấy lâu không có nhà, muốn bán đi mua chỗ khác cũng chẳng bán được, mỗi lần nhắc đến vợ chồng lại cãi nhau”.
“Đau đớn hơn là lúc đó tôi còn còn rủ cả cậu em ruột mua cùng cho có chị có em. Bây giờ thi thoảng em trai lại bảo lại bảo vì nghe chị em mất tiền mà không biết nói thế nào. Giờ tiền đã đóng đến 2 tỷ, chẳng lẽ mất không, mà chủ đầu tư thì không liên lạc được” – Chị Nga không giấu nổi tuyệt vọng.
|
Đứng trước nỗi lo ngân hàng phát mại dự án
Theo thông tin từ Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank), từ tháng 1/2020, ngân hàng này đã tiến hành thủ tục nộp đơn kiện CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Ðình với tổng số nợ tạm tính đến ngày 2/4/2019 là 290 tỷ đồng. GPBank yêu cầu Công ty Ba Đình phải thanh toán tiền lãi theo lãi suất quy định tại hợp đồng đặt cọc kể từ ngày 3/4/2019 cho đến khi hoàn trả hết nợ.
Nếu Ba Đình không tiến hành thanh toán thì GPBank sẽ yêu cầu cơ quan chức năng phát mại toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ba Đình, bao gồm cổ phần tại Công ty Ba Đình và dự án Hattoco bao gồm 85 căn hộ chưa bán, 6 sàn văn phòng cho thuê, quyền khai thác sử dụng dịch vụ 3 tầng hầm; quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán 355 căn hộ đã bán, quyền khai thác kinh doanh với 35 căn hộ chưa bán.
Anh H.V.K – khách hàng dự án này cho biết nhiều tháng qua khách hàng của Hattoco luôn trong tình trạng lo mất nhà, trong khi đó chủ đầu tư thì không liên hệ được.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV công ty Luật BASICO, trên thực tế việc chủ đầu tư thế chấp dự án cho ngân hàng để lấy vốn thực hiện dự án là rất phổ biến và được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, tại các dự án này khi bán cho khách hàng thì trước khi bán sản phẩm, chủ đầu tư buộc phải giải chấp, trừ trường hợp có sự đồng ý của khách hàng và ngân hàng. Còn nếu không, chủ đầu tư chỉ được phép thế chấp phần còn lại bao gồm các căn hộ chưa bán hoặc phần sở hữu riêng của chủ đầu tư. Việc thế chấp cả những căn hộ đã bán là vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, theo một số ý kiến, với trường hợp ngân hàng khởi kiện chủ đầu tư do chủ đầu tư không thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính, trường hợp ngân hàng được chuyển giao quyền quản lý dự án thì các quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với khách hàng cũng cần được chuyển giao theo.
Ai bảo vệ người mua?
Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc chủ đầu tư chậm tiến độ so với hợp đồng mua bán với khách hàng sẽ phải chịu lãi phạt trên số tiền khách hàng đã đóng. Nhưng hiện đa số chủ đầu tư tìm đủ lý do không chịu trả lãi phần phạt này khiến người mua nhà thiệt đơn, thiệt kép. Với những trường hợp trên, kể cả khi cơ quan chức năng vào cuộc cũng chỉ “phạt” được phần ngọn sai phạm còn không “phạt” được phần gốc cố tình chây ỳ gây thiệt hại lớn cho người dân.
Luật sư Bùi Thị Bích Hảo cho biết, theo Luật kinh doanh BĐS, đối với các hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai ký từ ngày 1/7/2015, chủ đầu tư dự án phải đáp ứng đủ điều kiện nhất định, trong đó bao gồm việc phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư. Người mua cần căn cứ thêm vào các tài liệu của bộ hợp đồng bảo lãnh này để làm việc với chủ đầu tư và ngân hàng bảo lãnh của dự án để thu hồi lại khoản tiền.