Vẫn ì ạch sau 10 năm triển khai
Để thu hút đầu tư, UBND TP Hà Nội đã có rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư. Nhiều dự án được triển khai tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên việc thực hiện các dự án theo hình thức BT đang bộc lộ không ít các trường hợp chủ đầu tư thiếu năng lực, nhưng vẫn được giao dự án. Từ đó dẫn đến tình trạng chậm tiến độ dự án, lãng phí nguồn lực đất đai của thành phố.
Dự án đường 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A) là một trong những dự án giao thông trọng điểm của TP Hà Nội, và là một trong những dự án chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập quận Hoàng Mai (14/11/2003 - 14/11/2018).
|
Do không có mặt bằng, nhà đầu tư đã phải dừng triển khai thi công dự án đường 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A) từ tháng 8/2019. |
Dự án được thực hiện theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao) do chủ đầu tư là Liên danh giữa Công ty Cổ phần kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội với Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà (gọi tắt là Liên danh Chủ đầu tư).
Tuyến đường khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn quận Hoàng Mai nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, từ khi có quyết định phê duyệt dự án đến nay ngót nghét chục năm, tuyến đường này vẫn dang dở.
Được biết, tuyến đường có chiều dài khoảng 2.061m, mặt cắt đường 40m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.300 tỷ đồng.
Ngày 06/04/2010, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1555/QĐ - UBND về việc thu hồi 67.125m2 đất phục vụ cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 2,5 (đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A).
Diện tích đất thu hồi thuộc phường Định Công, phường Thịnh Liệt quận Hoàng Mai và phường Khương Đình, quận Thanh Xuân được giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất và quản lý duy tu hạ tầng đô thị quận Hoàng Mai (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai) để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, quận Hoàng Mai thu hồi 58.411,8m2 đất (phường Định Công thu hồi 51.333m2, phường Thịnh Liệt thu hồi 7.079m2); quận Thanh Xuân thu hồi 8.713m2 thuộc phường Khương Đình.
Đầu năm 2020, nhà đầu tư cơ bản đã triển khai hết phần mặt bằng được bàn giao đủ điều kiện thi công khoảng 1.300m (từ Đầm Hồng đến cầu L3 sông Lừ). Thế nhưng hiện tại, do không có mặt bằng, nhà đầu tư đã phải dừng triển khai thi công từ tháng 8/2019.
Ông Đỗ Văn Đoàn, phường Định Công, quận Hoàng Mai chia sẻ với Pháp Luật Plus, ông là một trong những hộ dân có nhà nằm trong diện giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường 2,5 (đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A), nhưng đến nay vẫn chưa chuyển đi.
“Chúng tôi rất ủng hộ việc xây đường để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống củ nhân dân. Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc về vấn đề thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án, cùng với mức đến bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, khiến chúng tôi bức xúc và tiếp tục khiếu kiện để yêu cầu làm rõ”, ông Đỗ Văn Đoàn cho biết.
Không đủ năng lực GPMB?
Tìm hiểu về lý do chậm tiến độ của chủ đầu tư, được biết đại diện Liên danh Chủ đầu tư đã từng chia sẻ trên Công Lý Xã Hội: “Một thời gian khá dài việc giải phóng mặt bằng bị vướng nên đơn vị không thể thực hiện thi công theo kế hoạch. Công ty cũng bị thiệt hại lớn về kinh tế do hàng trăm phương tiện máy móc, thiết bị dãi nắng, dầm mưa không thể thi công vì thiếu mặt bằng”.
|
Hiện trạng các hạng mục công trình còn dang dở tại tuyến đường 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A. |
Về phía chính quyền, Pháp luật Plus đã có buổi làm việc với UBND Phường Định Công. Đại diện của đơn vị này cho biết, tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 2,5 (Đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A) đang còn vướng mắc khoảng 56 hộ dân chưa đồng ý giải phóng mặt bằng. Phường Định Công đã rất cố gắng vận động người dân tự nguyện giao đất.
Tuy nhiên khi người dân đồng ý thì Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà lại không lo được tiền. Hiện tại chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà đang thể hiện năng lực tài chính yếu kém trong công tác GPMB.
“Trước Tết Nguyên đán đã có hơn 10 hộ đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên đến nay các hộ vẫn chưa được nhận tiền. Nếu cứ tình trạng này thì phải còn rất lâu nữa mới có thể giải phóng mặt bằng xong dự án này”, đại diện UBND phường Định Công cho biết.
Câu hỏi cho năng lực của chủ đầu tư
Không chỉ chậm tiến độ khi triển khai xây dựng tuyến đường 2,5, hàng loạt dự án do Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà làm nhà đầu tư cũng tồn tại nhiều vấn đề.
Cụ thể, để nhà đầu tư thu hồi vốn đầu tư công trình BT kể trên và tạo lợi nhuận hợp lý theo quy định, UBND TP. Hà Nội đã giao cho nhà đầu tư thực hiện việc đầu tư, xây dựng và kinh doanh Dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công, quận Hoàng Mai.
Diện tích khu đất thực hiện xây dựng khu đô thị mới khoảng 1.357.650 m2, trong đó trên địa bàn phường Đại Kim khoảng 74.928 m2 và phường Định Công khoảng 1.282.722 m2.
Tuy nhiên, dự án Khu đô thị mới mở rộng Đại Kim - Định Công hiện chưa được thành phố giao đất, chưa có giấy phép, nhưng thông tin việc phân lô, bán nền dự án đô thị mới vào thời điểm các năm 2017, 2018, 2019 đã gây xôn xao trên thị trường bất động sản.
Đại diện UBND phường Định Công cũng xác nhận thông tin UBND TP Hà Nội chưa hề giao đất cho Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà thực hiện dự án đối ứng tại Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công. Do đó, nếu có việc tự ý phân lô, bán nền tại dự án là trái phép.
Tiếp đến, tại Dự án xây dựng khu nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ Công an quận Hoàng Mai có địa chỉ ngõ 79, phố Thanh Đàm, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội cũng là một dự án do Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà làm chủ đầu tư. Theo hợp đồng mua bán căn hộ giữa Chủ đầu tư với khách hàng, công ty sẽ hoàn thiện công trình và bàn giao nhà vào tháng 6/2014. Tuy nhiên, kịch bản “thi công chậm tiến độ” một lần nữa được Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà lặp lại.
|
Tòa nhà chung cư 23 tầng nhưng chưa đủ điều kiện bàn giao nhưng đã có người dân vào ở. |
Cư dân tại đây từng phản ánh đến Pháp luật Plus về câu chuyện khi các công trình, đặc biệt là các hạng mục liên quan đến PCCC vẫn chưa hoàn thiện, vào năm 2017, chủ đầu tư đã đưa khách hàng nhận nhà và dọn đến sinh sống để tránh vi phạm tiến độ hợp đồng.
Thậm chí, vào năm 2018, UBND Hà Nội từng đưa Dự án khu nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ Công an quận Hoàng Mai có địa chỉ ngõ 79, phố Thanh Đàm vào thông báo khuyến cáo người dân không nên mua nhà do vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Không chỉ vướng hàng loạt "lùm xùm" tại các dự án, năm 2019, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà còn ghi tên vào danh sách 1 trong 7 chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất với số liệu nợ chốt tại thời điểm 30/4/2019 là hơn 164 tỷ đồng. Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà chiếm vị trí đầu bảng trong số các chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất tại Cục thuế Hà Nội.
Có thể thấy, tình hình tài chính không mấy lạc quan với “gánh nặng” nợ thuế “khủng” lên đến 164 tỷ đồng đang là “hố đen” khiến Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà sa lầy vào những dự án đang triển khai.
Do đó, việc doanh nghiệp này có còn đủ năng lực để giải quyết những dự án đang chậm triển khai hay không cũng là một vấn đề khiến dư luận hoài nghi. Có thể thấy được dự án đường 2,5 đang ì ạch thi công nhiều năm trời đang bộc lộ nhiều yếu kém về năng lực của nhà đầu tư.
Một bài học xương máu dành cho TP Hà Nội, cũng như quận Hoàng Mai nói riêng và nhiều quận, huyện khác nói chung trong công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ