Doanh nghiệp bị tố “cưỡng chế” thay chính quyền ở Đồng Hỷ: Trái luật?

DTVN 08:49 16/10/2020

Theo luật sư Nguyễn Quynh, trong mọi trường hợp, doanh nghiệp không được tự ý tổ chức lực lượng, máy móc, nhân công đi “cưỡng chế” thay chính quyền.

Doanh nghiệp không có thẩm quyền ra thông báo “cưỡng chế”

Như đã thông tin, dù không có quyết định cưỡng chế của cấp có thẩm quyền nhưng Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc (gọi là Công ty Thiên Phúc) trụ sở tại Ninh Bình lại ngang nhiên huy động đưa nhân công, máy móc vào khu đất thuộc sở hữu của công dân tại tổ 7, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên để phá dỡ công trình gây thiệt hại gần 100 triệu đồng và có dấu hiệu hủy hoại tài sản của công dân.

Đơn “kêu cứu” của gia đình gửi đến cơ quan chức năng “tố” hành vi có dấu hiệu hủy hoại tài sản của Công ty Thiên Phúc.

Ông C., người bị phá dỡ công trình cho hay “Từ lúc xây dựng và sử dụng gia đình tôi không tranh chấp với ai, trước khi xây gia đình được sự đồng ý của chủ khu đất là bà Hoàng Thị Lý. Khi công ty Thiên Phúc vào phá dỡ cũng không làm việc với gia đình tôi hay bản thân chủ khu đất cũng không có ý kiến hay yêu cầu tháo dỡ”

Trao đổi với báo chí, ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho biết, chưa có bất kì văn bản, quyết định cưỡng chế nào đối với công trình xây trên thửa đất số 67, tờ bản đồ số 5 của gia đình bà Hoàng Thị Lý. Việc doanh nghiệp ban hành thông báo nội dung yêu cầu người dân phải tự tháo dỡ công trình, nếu không doanh nghiệp sẽ thực hiện sau đó gửi đến cho người dân là không đúng thẩm quyền.

Nội dung văn bản thông báo của công ty Thiên Phúc không đúng thẩm quyền.

Ông Hà cũng nhấn mạnh, khi nhận những văn bản thông báo như vậy, cá nhân người nhận được không phải thực hiện theo nội dung nêu trong văn bản vì đó là văn bản không đúng thẩm quyền, không đúng pháp luật.

“Nội dung nêu trong thông báo của Công ty Thiên Phúc gửi đến người dân là không đúng thẩm quyền. Người dân khi nhận được không có nghĩa vụ phải thực hiện theo nội dung ghi trong văn bản thông báo của Công ty Thiên Phúc. Khi tôi làm Bí thư thị trấn, lúc biết được, tôi đã đề nghị dừng ngay việc đó lại nhưng không hiểu tại sao vẫn có văn bản thông báo này.”, ông Hà thông tin.

Theo đoạn video người dân cung cấp, tại buổi phá dỡ có sự xuất hiện của ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc Công ty Thiên Phúc. Tại buổi phá dỡ, người dân yêu cầu cung cấp các văn bản, quyết định cưỡng chế… nhưng phía doanh nghiệp không cung cấp được. Mặt khác, khi bị người dân đề cập đến pháp nhân, pháp lý để thực hiện, ông Đỗ Khắc Thân tự nhận thửa đất số 67 là của cá nhân ông Thân.

Cũng liên quan đến nội dung trên, ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch thị trấn Trại Cau nhấn mạnh, hiện thửa đất số 67 do bà Hoàng Thị Lý là chủ sở hữu và chưa chuyển nhượng cho ông Đỗ Khắc Thân hay bất cứ cá nhân, hộ dân nào.

Cảnh phá dỡ công trình trên đất của người dân có dấu hiệu trái luật, trái thẩm quyền của doanh nghiệp Thiên Phúc.

Như vậy, chủ sở hữu thửa đất, tài sản gắn liền trên đất không thuộc về cá nhân ông Thân hay Công ty Thiên Phúc. Mặt khác doanh nghiệp không có thẩm quyền, pháp nhân, pháp lý, không có văn bản quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền và được cơ quan có thẩm quyền hợp đồng giao thực hiện việc “cưỡng chế” công trình trên thửa đất số 67. Hành vi tự ý tổ chức đưa người, máy móc để vào đất của công dân, phá công trình là hoàn toàn trái luật, có dấu hiệu hủy hoại tài sản cần phải xử lý.

Theo luật sư Nguyễn Quynh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), người dân có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định cưỡng chế do chính quyền địa phương ban hành và tòa sẽ phân xử. Trong mọi trường hợp công ty tự tổ chức lực lượng đi “cưỡng chế” là hoàn toàn trái pháp luật.

Cần bảo vệ quyền lợi công dân

Ông C. người nhà gia đình bà Hoàng Thị Lý cho biết: “Gia đình tôi có công trình gồm 3 gian nhà kho, 2 gian nhà vệ sinh, 1 nhà tắm và 1 bể phốt nằm giáp đường bê tông tại tổ 17, thị trấn Trại Cau, để phục vụ sinh hoạt của gia đình và từ trước đến nay không có tranh chấp, khiếu kiện với các hộ gia đình xung quanh. Trong hai ngày 24 – 25/7/2019, lấy lý do để triển khai dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên và đã đền bù, thỏa thuận nên doanh nghiệp đã cho người, máy móc đến phá toàn bộ công trình, các thiệt bị bên trong công trình của gia đình tôi và mang toàn bộ nhà cửa, thiết bị chở đi”.

“Khi gia đình tôi yêu cầu lý do thì doanh nghiệp không có bất cứ giấy tờ gì của cơ quan có thẩm quyền về việc này. Gia đình tôi đã yêu cầu UBND thị trấn Trại Cau cho cán bộ xuống để giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời, giải quyết đảm bảo quyền lợi cho gia đình. Hành vi của doanh nghiệp Thiên Phúc có dấu hiệu trái luật nên tôi đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét, xử lý về hành vi hủy hoại tài sản”, ông C. bức xúc

Công trình xây dựng trái phép, vi phạm thì trách nhiệm, thẩm quyền xử lý thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyên thi hành thực hiện. Việc doanh nghiệp Thiên Phúc tự soạn thảo văn bản thông báo nội dung thay chính quyền phá dỡ công trình để gửi người dân, yêu cầu người dân thực hiện là hành vi trái pháp luật cần phải bị xử lý nghiêm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV/Sở Hữu Trí Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp bị tố “cưỡng chế” thay chính quyền ở Đồng Hỷ: Trái luật? tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đô thị
Tin tức mới nhất