|
Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong những dự án hạ tầng giao thông hàng không cấp đặc biệt, có quy mô vốn lớn. |
Những điều chỉnh chính
Theo thông tin của Báo Đầu tư, vào đầu tuần này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã ký Tờ trình số 450/TTr - CP gửi Quốc hội Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I (sân bay Long Thành).
Đây là một trong những dự án hạ tầng giao thông hàng không cấp đặc biệt, có quy mô vốn lớn (tổng mức đầu tư lên tới 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD), sức lan tỏa cao (có cơ hội phát triển thành cảng hàng không trung chuyển trong khu vực.
Được biết, tại Tờ trình số 450, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sân bay Long Thành giai đoạn I, với 4 nội dung chính là chấp thuận hình thức đầu tư; điều chỉnh diện tích đất giai đoạn I từ 1.164 ha lên khoảng 1.810 ha; điều chỉnh diện tích 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng; chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 1 và số 2 vào Dự án sân bay Long Thành giai đoạn I để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo công tác thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện Dự án, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015.
Những nội dung trên cũng chính là kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước tại Công văn số 7257/BC - HĐTĐNN về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sân bay Long Thành giai đoạn I do Bộ GTVT trình tháng 7/2019 và hồ sơ giải trình do đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi là ACV.
Do Dự án có quy mô lớn, phức tạp, trong khi thời gian thẩm định ngắn, nên Hội đồng chỉ tập trung xem xét một số nội dung chính của Báo cáo nghiên cứu khả thi đã thay đổi so với chủ trương đầu tư được phê duyệt tại Nghị quyết số 94. Các nội dung khác sẽ được Hội đồng tiếp tục thẩm định sau khi có kết quả cuối cùng của tư vấn thẩm tra Dự án trong bước trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Hiện nay, đơn vị tư vấn thẩm tra được lựa chọn là Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng - Coninco - Netherlands Airport Consultants - Arup International - AEC đang khẩn trương tiến hành thẩm tra các nội dung theo yêu cầu của Hội đồng.
Không lo thiếu vốn
Liên quan đến hình thức đầu tư, tại Tờ trình số 450, Chính phủ phân chia các công trình tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành 4 hạng mục chính. Trong đó, hạng mục 1 gồm các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, công an địa phương, công an cửa khẩu, cảng vụ hàng không, kiểm dịch y tế có chi phí khoảng 152,2 tỷ đồng. Hạng mục 2 - các công trình phục vụ quản lý bay có tổng mức đầu tư 3.457 tỷ đồng. Hạng mục 3 - các công trình thiết yếu của cảng hàng không gồm các công trình hạ tầng chung, công trình khu bay, khu hàng không dân dụng (nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa…) có tổng mức đầu tư 89.838 tỷ đồng. Và hạng mục 4 - các công trình dịch vụ (hệ thống tra nạp nhiên liệu, nhà ga hàng hóa số 2, khu bảo dưỡng thiết bị mặt đất, bảo trì tàu bay, khu logistics hàng không…) có tổng mức đầu tư 11.787,4 tỷ đồng.
Việc phân chia trên, theo Chính phủ, là căn cứ theo Luật Hàng không dân dụng và thông lệ quốc tế trong việc phát triển các cảng hàng không trên thế giới.
Cũng trên cơ sở nghiên cứu tham khảo mô hình quốc tế, cũng như phân tích ưu, nhược điểm của từng hình thức đầu tư trên cơ sở 6 tiêu chí, trong đó có vai trò và lợi ích của Nhà nước; năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư; nhu cầu và khả năng huy động vốn…, ACV được đề xuất sẽ đóng vai trò chính trong việc đầu tư các hạng mục chủ chốt nhất tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I.
Về khả năng huy động vốn chủ sở hữu trong trường hợp ACV được giao đầu tư các hạng mục như đề xuất, Chính phủ cho biết, đến ngày 31/12/2018, doanh nghiệp này đã tích lũy được hơn 24.268 tỷ đồng và tiếp tục tích lũy nguồn từ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2019 - 2025. Theo đó, ACV chắc chắn sẽ cân đối được tổng cộng 1,522 tỷ USD để thực hiện dự án này.
Đối với phần vốn còn lại (2,628 tỷ USD), ACV đã làm việc với 12 tổ chức tín dụng trong và ngoài nước và đã ký các biên bản thỏa thuận hợp tác về thu xếp vốn với tổng giá trị hơn 5 tỷ USD, lãi suất trung bình 5-5,5%/năm, thời hạn vay 15 năm.
Vai trò cụ thể của ACV ACV được giao đầu tư toàn bộ hạng mục 1, sau đó sẽ cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại. Hạng mục 2 sẽ giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 3 sẽ giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Đối với hạng mục 4, Chính phủ kiến nghị giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư theo quy định của pháp luật. |
Theo Anh Minh/Báo Đầu Tư