Ngày 17/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 21/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
|
(Hình ảnh minh họa) |
Theo đó, bãi bỏ các quy định phạt vi phạm hành chính sau đây từ ngày 01/04/2020:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động:
+ Lập dự án đầu tư xây dựng;
+ Thẩm tra dự án đầu tư xây dựng;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức hoạt động xây dựng có hành vi:
+ Không có hợp đồng lao động với những cá nhân đảm nhận những chức danh chủ chốt theo quy định;
+ Những chức danh chủ chốt không có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đặc thù của dự án theo quy định.
Nhà thầu nước ngoài bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: Không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử theo quy định khi tham gia các hoạt động xây dựng.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động xây dựng không đủ điều kiện theo quy định.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng hoặc quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng không đảm bảo điều kiện năng lực quy định.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giảng viên không đủ tiêu chuẩn theo quy định về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quy định về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư:
+ Thực hiện đào tạo không đúng địa điểm đào tạo theo quy định;
+ Sử dụng giảng viên không đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Ngoài ra, bãi bỏ luôn các quy định về biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện khi vi phạm nêu trên.
Nghị định 21/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/4/2020.
Nghị định cũng nêu rõ: Việc xử lý chuyển tiếp các hành vi vi phạm hành chính trên nếu xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực nhưng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền mà chưa thực hiện thì tiếp tục thực hiện theo quy định.
Trường hợp các hành vi vi phạm đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc được phát hiện sau ngày Nghị định có hiệu lực thì không xử phạt vi phạm hành chính.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ