Ngày 25/12/2019 vừa qua, Thanh tra TP Đà Nẵng đã có Thông báo 924/TB-TTTP về kết quả thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác xét duyệt, quản lý và sử dụng nhà ở xã hội (NOXH) tại chung cư An Trung 2 (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà).
80 sai phạm: Liên doanh DMC-579 sai phạm gì?
Kết quả kiểm tra hồ sơ xét duyệt tại Liên doanh DMC - 579 (chủ đầu tư) trong 324 trường hợp được mua nhà ở xã hội, có 43 trường hợp hồ sơ xét duyệt không có các giấy tờ chứng minh đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện để hưởng chính sách nhà ở xã hội.
|
Phát hiện 80 trường hợp đối tượng mua nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2. |
Tổng hợp toàn bộ kết quả kiểm tra 324 trường hợp được mua nhà ở xã hội, thể hiện có 80 trường hợp sai phạm phải chấm dứt hợp đồng. Trong đó:
Có 5 trường hợp xét duyệt hồ sơ không đúng (trong đó có 1 trường hợp có nhà); 10 trường hợp không phải là đối tượng 1 vì không làm việc trong doanh nghiệp; 12 trường hợp đã có nhà ở thuộc sở hữu; 3 trường hợp vừa có nhà ở vừa chịu thuế thu nhập cá nhân;
36 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân; 11 trường hợp được mua NOXH nhưng không có nhu cầu ở mà đem cho thuê lại; 2 trường hợp vừa chịu thuế thu nhập cá nhân vừa cho thuê NOXH; 1 trường hợp đứng tên mua giúp; 1 trường hợp chế và không còn nhu cầu nhà ở.
Theo Thanh tra TP Đà Nẵng, 80 trường hợp sai phạm nêu trên phải xử lý theo quy định tại Khoản 6 Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014.
Trong số các trường hợp sai phạm, có 43 trường hợp hồ sơ xét duyệt không có các giấy tờ chứng minh đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện để được hưởng chính sách về nhà ở xã hội quy định tại Điều 22 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Việc xét duyệt 43 hồ sơ không có giấy tờ chứng minh đúng đối tượng theo quy định tại Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Trong đó, 31 trường hợp sau khi Đoàn thanh tra xác định lại còn 70 điếm, thuộc trường hợp phải bốc thăm.
Việc này là do Liên doanh DMC-579 thực hiện chấm điểm không đúng, Sở Xây dựng tham gia kiểm tra trực tiếp các hồ sơ nhưng vẫn phê duyệt các hồ sơ này. Về nguyên tắc, đối với những trường hợp này phải thực hiện việc chấm điểm và tổ chức bốc thăm lại theo quy định. Tuy nhiên, để tránh sự phức tạp trong việc xử lý hậu quả đối với thành phố nên kiến nghị giữ nguyên kết quả phê duyệt.
Với những sai phạm này, trách nhiệm chính thuộc về các đối tượng mua nhà ở xã hội trong việc kê khai không trung thực về nhà ở của riêng mình, kê khai không trung thực về thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, để hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; vi phạm về kê khai sai thực tế đối tượng 1 làm việc trong các doanh nghiệp; vi phạm cho thuê nhà ở xã hội; vi phạm không có nhu cầu nhà ở nhưng đứng tên mua giúp cho người khác và trường hợp chết, không còn nhu cầu nhà ở.
Trách nhiệm chính trong công tác xét duyệt hồ sơ không đúng quy định nêu trên thuộc về Liên doanh DMC - 579 tại thời điểm tổ chức xét duyệt bán căn hộ nhà ở xã hội, cùng với đó là trách nhiệm của Sở Xây dựng Đà Nẵng.
Tiếp đến trách nhiệm của UBND các xã, phường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc xác nhận không có cơ sở về tình trạng nhà ở và thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân cho các đối tượng mua NOXH.
Trục lợi từ nhà ở xã hội bị xử lý thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, ngày 1/1/2020, trao đổi với Dân Việt, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, quy định trong Luật Nhà ở năm 2014, nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội gồm rất nhiều thành phần như: Người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; Cán bộ, công chức, viên chức, …
Tiêu chí để lựa chọn người mua nhà ở xã hội rất gắt gao, trải qua nhiều bước thẩm định, chấm điểm hồ sơ người đăng ký mua nhà. Mặt khác quy định cũng cấm người mua nhà ở xã hội bán lại trước 5 năm.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc mua nhà rồi bán lại thường xuyên xảy ra ở các dự án nhà ở xã hội. Ngoài bán trái quy định, nhiều đối tượng dùng hình thức cho thuê lại căn hộ mà không biết điều này cũng sai với quy định.
Mặt khác, nguồn cung nhà ở xã hội ít nên mới xảy ra hiện tượng mua bán chênh tại một số dự án, do đó người dân cố tình nộp hồ sơ nhiều lần tại dự án nhà ở xã hội để trục lợi cá nhân.
Theo Luật sư Hà, chính sách xử lý đối với các trường hợp trục lợi từ nhà ở xã hội được quy định tại Khoản 6 Điều 62 Luật nhà ở 2014: “Mọi trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội không đúng quy định của Luật này thì hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở không có giá trị pháp lý và bên thuê, thuê mua, mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó”.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 63 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở cũng quy định mức xử phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với hành vi cho thuê, mua nhà ở không đúng quy định.
Như vậy, không thể phủ nhận một thực trạng đáng buồn là, khi một bộ phận lớn người có thu nhập thấp vẫn đang đau đáu một ước mơ về ngôi nhà của riêng mình thì cơ hội dành cho họ đang ngày một ít đi vì những sai phạm trong câu chuyện về nhà ở xã hội hiện nay.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ