Xuất khẩu nông-thủy sản sang Trung Quốc: Thay đổi tư duy, định vị thị trường

ĐTVN 15:23 06/10/2019

Việc xuất khẩu (XK) vào thị trường Trung Quốc khó khăn hơn do thị trường ngày càng khó tính, hàng rào kỹ thuật ngày càng nhiều...

Trung Quốc là thị trường XK nông-thủy sản lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch XK nông thủy sản của cả nước, là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả, gạo và sắn các loại, thứ 2 về hạt điều, thứ 3 về thủy sản.

XK nông-thủy sản tồn tại nhiều khó khăn do tập quán kinh doanh của doanh nghiệp Việt còn dựa trên những yếu tố chưa chuyên nghiệp. (Nguồn: TTXVN)

Nhận diện đúng thị trường

Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, hiện đang là thị trường xuất và nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2010, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc thêm thuận lợi.

Tuy nhiên, tại Hội nghị Phát triển XK hàng hóa nông-thủy sản sang thị trường Trung Quốc mới đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong các tháng đầu năm 2019, hoạt động XK nông-thủy sản của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, giá của nhiều mặt hàng giảm sau khi đã đạt mức cao trong các năm 2017 - 2018.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu nông, lâm, thủy sản chín tháng đầu năm 2019 ước đạt 53,2 tỷ USD, trong đó, XK đạt khoảng 30,02 tỷ USD tăng 2,7% so với cùng kỳ. Số liệu tăng trưởng này chủ yếu đạt được từ tăng giá trị XK lâm sản, còn nhóm nông sản chính vẫn giảm, đạt 13,9 tỷ USD. Nhóm thủy sản cũng không đạt kỳ vọng, ước đạt 6,23 tỷ USD, giảm 2%. Theo Bộ này, nhóm nông-thủy sản XK giảm do giá XK nhiều mặt hàng giảm sâu so với cùng kỳ năm 2018 và việc XK sang một số thị trường lớn, quan trọng giảm, đặc biệt là Trung Quốc ước giảm 8%.

Chia sẻ về nguyên nhân, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, từ khoảng giữa năm 2018, Trung Quốc tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông-thủy sản nhập khẩu.

Ngoài ra, từ 1/6/2019, Trung Quốc chuyển từ nhiều hình thức xuất nhập khẩu thành hình thức duy nhất là xuất nhập khẩu chính ngạch, đồng thời cơ quan quản lý đầu mối dồn hết vào Tổng cục Hải quan. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ lúng túng nếu không nắm bắt, chuyển hóa kịp.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trung Quốc đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung chấn hưng nông nghiệp nên nhiều nông sản chủ lực của Việt Nam có kim ngạch XK giảm.

Mặt khác, thực tế là XK nông-thủy sản sang Trung Quốc còn tồn tại nhiều khó khăn do tập quán kinh doanh của doanh nghiệp Việt chưa chuyên nghiệp, chủ yếu dựa vào buôn bán tiểu ngạch, các điểm cửa khẩu thông quan chứ chưa đưa được hàng hóa vào sâu nội địa, hàng hóa chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững.

Cần một tư duy thay đổi

Trước đòi hỏi khắt khe của thị trường cùng với hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày một siết chặt, để phát triển XK nông-thủy sản một cách bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý Việt Nam cần phải tổ chức sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, nâng cao công tác quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.

Cũng tại Hội nghị trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra bốn giải pháp cho vấn đề này, bao gồm: tổ chức sản xuất lệch thời vụ của phía Trung Quốc để đảm bảo đầu ra và giá thành; tăng cường chế biến để kéo dài thời gian phân phối trên thị trường; áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là bảo quản theo công nghệ mới để kéo dài thời gian, giữ giá trị và tập trung nhiều thị trường, không “bỏ trứng vào một giỏ”.

Còn bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp cần chú trọng sản xuất theo quy hoạch, căn cứ theo nhu cầu, dung lượng thị trường, mùa vụ. Mặt khác, đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại; xây dựng kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa tại Trung Quốc.

Đặc biệt, việc buôn bán tiểu ngạch cần phải được xóa bỏ, chuyển thành thương mại chính ngạch bởi việc thay đổi tư duy XK sẽ giúp nông sản không còn chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mà khi chất lượng được nâng cao sẽ chinh phục được nhiều thị trường khác. Bằng chứng là, dù XK rau quả trong những tháng đầu năm sang thị trường Trung Quốc giảm, nhưng riêng tám loại trái cây đã được phép XK chính ngạch sang thị trường này vẫn tăng tới 30%. Điều này cho thấy, tiềm năng thị trường còn rất lớn nếu sản phẩm đáp ứng được yêu cầu.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp không thể kiểm soát từ A - Z mà cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương để kiểm soát dư lượng bảo vệ thực vật để nông sản Việt Nam an toàn, đồng thời, tăng cường công tác tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP.

Nhận dạng đúng thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, thay đổi tư duy XK... đó thực sự là những việc làm không dễ nhưng cấp bách để đưa nông-thủy sản Việt Nam ngày càng có chỗ đứng vững chắc ở thị trường lớn nhất thế giới này và từng bước giải quyết câu chuyện “được mùa, mất giá” của nông sản bấy lâu nay.

Theo TG&VN

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu nông-thủy sản sang Trung Quốc: Thay đổi tư duy, định vị thị trường tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước
Tin tức mới nhất
Trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng đang đối mặt với những khó khăn, đặc biệt là từ tình trạng nợ xấu ngày càng tăng cao và diễn biến phức tạp, kết quả kinh doanh của FE Credit tiếp tục