Theo báo cáo của Bộ TN&MT tại Hội nghị Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP) và Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa vừa diễn ra tại Hà Nội, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt.
Trong đó, khoảng 10% là chất thải nhựa và số lượng này ngày càng gia tăng. Theo dự báo của các chuyên gia, thất thoát rác thải nhựa không chủ đích vào môi trường nước của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 106% từ năm 2021 đến năm 2030. Còn số này chỉ giảm nếu có những hành động mang tính hệ thống và đột phá được thực hiện nhằm giải quyết triệt để vấn đề nhựa và chất thải nhựa, từ tái thiết kế vật liệu, sản xuất và tiêu thụ bền vững cho đến tăng cường năng lực quản lý chất thải.
Về các giải pháp, tháng 12/2019, Chính phủ đã có Quyết định số 1746/QĐ-TTg đặt ra một loạt các mục tiêu với thời hạn cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Trong đó, cắt giảm một nửa lượng chất thải nhựa trong môi trường biển vào năm 2025; giảm thiểu 75% lượng chất thải nhựa trên biển vào năm 2030; và loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân huỷ tại các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.
|
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về nhựa và vi nhựa. Ảnh: TTXVN |
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong thời gian tới, cần thiết lập khuôn khổ pháp lý và thể chế ở phạm vi quốc gia về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất các sản phẩm nhựa; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về nhựa và vi nhựa. Đồng thời chuyển đổi ngành sản xuất nhựa theo hướng bền vững, đảm bảo thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tái chế nhựa, sản xuất nhựa theo công nghệ hiện đại.
Ngoài ra cũng cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về hành vi tiêu dùng nhựa thông minh và bền vững, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa hiệu quả, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Bên canh đó phải đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức về quản lý, sử dụng bền vững các sản phẩm nhựa. Thậm chí, thiết lập một trung tâm nghiên cứu quốc tế của khu vực nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ cho giảm thiểu chất thải nhựa…
Bộ TN&MT cũng nhận định, những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa. Lỗi thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa không đúng cách. Vì vậy, cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, đồng thời để góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chỉ có như mới phát huy được hết các tính năng của sản phẩm nhựa đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Chất lượng Việt Nam Online