Chất lượng một số dự án luật còn kém
Sáng 24/11, Chính phủ tổ chức Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và đại diện các bộ, ngành, các cơ quan thuộc Quốc hội.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật được đặc biệt coi trọng. Hệ thống pháp luật đã trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Bên cạnh những thành tựu, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra một số hạn chế như tình trạng nợ ban hành văn bản chưa được khắc phục triệt để. Chất lượng một số văn bản chưa được như mong muốn, vẫn còn văn bản có nội dung trái pháp luật, chưa đáp ứng yêu cầu.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một quốc gia thành công hay không thành công chính là thể chế, pháp luật. Đây cũng là nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương, cũng như công chức làm trong lĩnh vực này. “Chúng ta thường hay lo các công việc cháy nhà, chết người, dự án này, dự án kia mà chưa quan tâm đến công tác thể chế. Chúng ta phải thay đổi thói quen này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
|
Theo Thủ tướng, năm 1985, trước đổi mới, đồng chí Trường Chinh nói là “đổi mới hay là chết”. Từ tinh thần ấy, chúng ta chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường hạch toán kinh tế, định hướng xã hội chủ nghĩa. Và rồi, cũng ruộng đó, đất đó, cũng con người đó, trong điều kiện thiên tai lũ lụt nhiều hơn nhưng từ nước thiếu ăn phải nhập khẩu bo bo thì giờ đã thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Chính phủ đã dành nhiều công sức nên hệ thống pháp luật Việt Nam cơ bản đầy đủ trên các lĩnh vực, đảm bảo tính thống nhất, tính minh bạch, khả thi, song Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế như, chất lượng một số dự án luật còn kém, nhiều dự án vòng đời tồn tại rất ngắn ngủi, phải sửa chữa. Việc tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động còn hạn chế, chưa kỹ, nên có những văn bản mới ra đời đã phải sửa chữa.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chương trình chưa đúng, dẫn đến nhiều dự án phải xin lùi, xin rút nhiều. Tình trạng nợ động văn bản quy định chi tiết luật chưa khắc phục triệt để. Văn bản trái luật về nội dung, thẩm quyền chồng chéo bất cập còn chậm được xử lý. “Sau này Bộ Tư pháp phải có danh mục các địa phương, bộ trưởng sai phạm trong ban hành văn bản”, Thủ tướng yêu cầu.
Liêm chính trong xây dựng pháp luật
Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu khắc phục cho được sự phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan trong việc lấy ý kiến, lắng nghe lẫn nhau để hoàn thiện các quy định. Bên cạnh đó, phải khắc phục tình trạng “quyền anh”, “quyền tôi” trong xây dựng văn bản pháp luật.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò nhạc trưởng, cơ quan gác cửa trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của chính phủ và các địa phương. Các bộ ngành cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng, kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết luật, pháp lệnh.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý chống cho được “lợi ích nhóm” trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. “Chống tham nhũng nói chung rất quan trọng nhưng chống tham nhũng trong làm chính sách, làm pháp luật càng quan trọng hơn. Cần giữ sự liêm chính trong xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật là rất cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu nguồn lực cần thiết cho công tác nghiên cứu, xây dựng pháp luật. “Chúng ta phải quan tâm đặc biệt đưa đất nước tiến lên bằng thể chế pháp luật. Đây là điều rất quan trọng mà văn kiện Đại hội Đảng tiếp tục nhấn mạnh”, Thủ tướng cho hay.