Tại buổi thảo luận chiều 24/10 thuộc khuôn khổ kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ GTVT đã trình bày một số vấn đề liên quan đến Dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1...
|
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng |
Thảo luận sau phần trình bày trên, ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng, cần làm rõ vấn đề giải phóng mặt bằng diện tích đất tăng thêm gần 650 ha, tính vào dự án giải phóng mặt bằng hay tính vào giai đoạn 1 của dự án sân bay.
Nếu đưa 650 ha tăng thêm này vào giai đoạn 1 sẽ dẫn đến tình trạng triển khai sau. Triển khai sau sẽ dẫn đến việc chênh lệch chính sách trong thu hồi đất tại địa bàn, dù đất đó là đất của cao su nhưng vẫn có một tỷ lệ đất của người dân được giao quản lý trong thời gian vừa qua.
Theo ông Thưởng, bài toán này nếu giải quyết không kỹ thì khi tổ chức thực hiện sẽ rất khó. Để ưu tiên giải phóng mặt bằng và coi giải phóng mặt bằng là quan trọng, Quốc hội đã đồng ý tách ra thành một dự án riêng. Trong dự án đó không có 650 ha tăng thêm này, cho nên nếu diện tích tăng thêm đưa vào dự án giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 sẽ phải điều chỉnh dự án giải phóng mặt bằng.
“Như vậy cũng là sân bay Long Thành nhưng có 2 diện tích giải phóng mặt bằng với 2 chính sách khác nhau. Vì vậy, nếu được nên cân nhắc bổ sung thêm việc giải phóng mặt bằng như Quốc hội đã thông qua”, ông Thưởng kiến nghị.
Ông Võ Văn Thưởng nhận định, kết nối giao thông giữa sân bay Long Thành như báo cáo thẩm tra đặt ra rất đúng. Bởi vì QL51 bây giờ quá tải, những dự án đường sắt đô thị nêu ra thì đến năm 2040 mới có khả năng xây. Như vậy, giai đoạn 1 đến năm 2030 kết nối như thế nào? Vấn đề này cần phải tính toán kỹ.
Theo đó, đại biểu Võ Văn Thưởng cũng đề nghị phải làm rõ cơ chế giao đất đối với những doanh nghiệp thực hiện các dự án thuộc hạng mục 4 (các dự án hợp tác đầu tư hoặc khai thác dịch vụ).
Cho ý kiến vào dự án đầu tư xây dựng Cảng hàơng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, đại biểu đoàn Bạc Liêu đánh giá, đây là dự án trọng điểm quốc gia, có liên quan đến an ninh, quốc phòng nên giao cho các doanh nghiệp Nhà nước có chức năng quản lý, đủ thẩm quyền thực hiện là yên tâm.
Tuy nhiên, ông Khái lưu ý, công tác giám sát, quản lý phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thầu đến thi công. Bởi kinh nghiệm và qua thực tế cho thấy, nếu không quan tâm ngay từ giai đoạn đầu của dự án thì khi có vấn đề xảy xử lý hậu quả sẽ khó lường.
Đại biểu Lê Minh Khái đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hết sức quan tâm công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu giám sát. Có thể thuê giám sát nước ngoài để loại trừ hết tất cả các mối quan hệ có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án.
“Nếu chúng ta kiểm tra, kiểm soát chấn chỉnh kịp thời thì khắc phục những hậu quả, sai sót, hạn chế nếu có sẽ dễ hơn, vừa không mất tiền của Nhà nước, của xã hội, vừa không phải xử lý mất cán bộ”, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Trước đó tại phiên hợp chiều ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (dự án sân bay Long Thành) giai đoạn 1.
Theo đó, báo cáo làm rõ một số nội dung điều chỉnh, bổ sung so với chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua. Cụ thể, về hình thức đầu tư và huy động vốn, các công trình được phân chia thành 4 nhóm hạng mục chính gồm: - Hạng mục 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước: Giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại. - Hạng mục 2 - Các công trình phục vụ quản lý bay: Giao cho Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. - Hạng mục 3 - Các công trình thiết yếu của Cảng hàng không: Giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. - Hạng mục 4 - Các công trình dịch vụ phụ trợ: Giao cho ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư hoặc xã hội hóa đầu tư. Báo cáo cũng đưa ra cơ sở pháp lý của các phương án huy động vốn đã nêu. Theo đó, với Hạng mục 2, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước. Đối với các Hạng mục 1, 3 và 4: Đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. Do đó, việc giao ACV đầu tư, khai thác Cảng cần phải được Quốc hội thông qua. Trường hợp, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ mất thêm thời gian khoảng 1,5 - 2 năm, trong khi ngoài ACV, khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng an ninh và lợi ích quốc gia đối với một Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ, quan trọng quốc gia như sân bay Long Thành. Tổng mức đầu tư dự kiến của công trình là 111.689 tỷ đồng, tương đương: 4,779 tỷ USD. Như vậy, tổng mức đầu tư dự án thấp hơn tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94 là 4,782 tỷ USD (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Trong 1.050 ha dành cho diện tích Quốc phòng ở Sân bay Long Thành, Chính phủ thống nhất cụ thể vị trí đất quốc phòng trong đó bố trí 570 ha đất dùng riêng, thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; Bố trí 480 ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không (đường cất hạ cánh số 4 và đường lăn) dùng chung cho nhiệm vụ quốc phòng và dân dụng. Tuy nhiên, phần diện tích này được ưu tiên phục vụ cho các hoạt động quân sự (huấn luyện, tác chiến...), phục vụ hoạt động dân dụng khi nhu cầu khai thác tăng nhằm nâng cao sử dụng hiệu quả hạ tầng trong sân bay.Báo cáo cũng kiến nghị mở rộng diện tích cho công trình trong giai đoạn 1 lên 1.810 ha từ 1.165 ha như dự kiến. Việc đề xuất điều chỉnh nêu trên không làm thay đổi tổng diện tích đất 5.000 ha dùng cho dự án đã được Quốc hội thông qua. Báo cáo khả thi cũng đề nghị bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối. Tuyến số 1 (dài 3,8 km): Kết nối trục chính Cảng (đầu phía Tây) với Quốc lộ 51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe. Giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh, gồm 10 làn xe chạy chính và 06 làn đô thị song hành. Tuyến số 2 (dài 3,5 km): Kết nối tuyến số 01 với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang 04 làn xe, chạy theo 02 nhánh song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. "Do hai tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khai thác, trong đó tuyến 01 đóng vai trò cho việc thi công dự án nên cần bố trí vốn kịp thời. Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến này vào dự án và giao ACV trực tiếp đầu tư", báo cáo nêu rõ. |