Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, với dân số Việt Nam gần 100 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may hiện nay chiếm từ 5% đến 6% chi tiêu của người dân Việt Nam, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD, cho thấy đây là thị trường rất tiềm năng.
Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mặc dù dệt may Việt Nam đã thành công trong xuất khẩu nhưng kinh doanh ngay trên "sân nhà" lại khó khăn. Nguyên nhân bởi làm thị trường nội địa, doanh nghiệp phải vừa sản xuất, vừa xây dựng hệ thống phân phối, lên kế hoạch marketing bán hàng... khá "lắt nhắt" nếu so với làm hàng lô để xuất khẩu.
Ngoài ra, điểm yếu của các sản phẩm dệt may Việt Nam nội địa là chưa đa dạng về phân khúc thị trường và giá, mới mạnh ở phân khúc tầm trung như sơ mi công sở, quần áo đồng phục, đồ bảo hộ lao động...
|
Vì vậy, theo các chuyên gia, để "ngược dòng" về với thị trường nội địa, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần xây dựng mạng lưới kênh phân phối, nhất là những doanh nghiệp nhỏ cần tích cực hơn trong chinh phục người tiêu dùng bằng cách đầu tư cho thiết kế, tăng chất lượng sản phẩm và cơ cấu lại giá thành cho phù hợp, bắt kịp xu thế thời trang...
Còn theo các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất của ngành may hiện nay chính là nguyên liệu. Vải sản xuất tại Việt Nam đắt hơn vải nhập ngoại, nhất là từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trước khó khăn này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, để có thể đáp ứng sản phẩm sản xuất nội địa với nguyên liệu nội địa thì doanh nghiệp ngành may phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có các chính sách để quy hoạch, khuyến khích hỗ trợ ngành dệt, nhuộm phát triển. Bởi nếu không có nguyên liệu tốt trong nước thì không thể có hàng dệt may Việt Nam chất lượng cao để phục vụ người Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các khu công nghiệp có xử lý nước thải, kêu gọi đầu tư nhà máy về sợi - dệt - nhuộm để hoàn thiện chuỗi quy trình sản xuất nguyên liệu vải, phục vụ ngành dệt may. Đây sẽ là cơ sở để nội địa hóa nguồn nguyên liệu vải, nền tảng để ngành dệt may chuyển đổi sản xuất từ gia công sang thiết kế và sản xuất, tiêu thụ cả nội địa và hướng tới xuất khẩu mạnh hơn các sản phẩm may mặc mang thương hiệu Việt sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ