Khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận vắc xin Covid 19: Hai thứ trưởng Bộ Y tế đã vênh nhau thế nào ?

DTVN 09:34 21/06/2021

Vắc xin phòng COVID-19 là hi vọng gần như duy nhất hiện nay của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế là, việc tiếp cận và nhập khẩu vắc xin phòng, chống virus COVID-19 của các doanh nghiệp tại Việt Nam đang có biểu hiện gặp khó khăn. Mà, một trong những nguyên nhân chính, đáng tiếc là lại xuất phát từ chính xử lý không nhất quán của Bộ Y tế.

Bộ nói ủng hộ
Ngày 31.5.2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký ban hành công văn số 4433/BYT-QLD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc; các doanh nghiệp, tổ chức có nguồn cung vắc xin phòng Covid-19. Nội dung của công văn này là về việc “tăng cường tiếp cận vắc xin phòng Covid-19”.

Do tính quan trọng của vấn đề, Doanh nhân Việt Nam xin trích dẫn nội dung văn bản này. Cụ thể, thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Minh Thuấn khẳng định: ‘Thực hiện chủ trương của Bộ chính trị, chỉ đạo của Chính Phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Y tế đã có các công văn 406/QLD-KD ngày 27/01/2021- Văn bản số 1438/QLD-KD ngày 23/02/2021- Văn bản số 2511/QLD-KD ngày 22/03/2021 khuyến khích các Tập đoàn, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vắc xin phòng Covid 19”.

Cũng văn bản này hướng dẫn: “Để tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 cho nhu cầu cấp bách, Bộ Y tế đề nghị: trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng với cơ sở sản xuất hoặc cung ứng vắc xin “với các vắc xin đã được Tổ chức y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo uỷ quyền chính thức của cơ sở sản xuất vắc xin phòng Covid-19”, thời gian này là 10 ngày làm việc “với các vắc xin đã được các quốc gia khác phê duyệt nhưng chưa được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp”.

Đoạn nội dung này cho thấy, Bộ Y tế đã “cởi trói” về cơ chế, ủng hộ việc tìm kiếm theo nguyên tắc nhanh và nhiều loại vắc xin. Mục tiêu của nguyên tắc nhanh và nhiều này, đương nhiên, không ngoài việc khẩn cấp tiêm được cho càng nhiều đối tượng cần vắc xin càng tốt.

Công văn của Bộ Y tế thậm chí còn lường trước khó khăn mà doanh nghiệp sẽ gặp, nên còn hướng dẫn thêm. Theo đó, “Trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức chưa có kinh nghiệm, chưa đủ điều kiện nhập khẩu vắc xin theo quy định đề nghị liên hệ với các đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu vắc xin để phối hợp thực hiện”. Và, “Đối với các địa phương, đơn vị có khả năng nhập khẩu, tiếp cận nguồn cung vắc xin phòng Covcid-19 nêu trên, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện cấp phép nhập khẩu, kiểm định và chỉ đạo tổ chức công tác tiêm chủng đảm bảo tiến độ, an toàn, hiệu quả”.

Thực tế chương trình tiêm vắc xin khẩn cấp hiện đang tiến hành đã thể hiện “gần như” đúng tinh thần chỉ đạo này.

Tuy nhiên, điều khó lý giải là, văn bản số 4433/BYT-QLD lại chưa được Bộ Y tế công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời với đó, văn bản tưởng rõ ràng này của Bộ Y tế, lại rất thiếu các thông tin đầy đủ. Cụ thể, trong khi khuyến khích tiếp cận nguồn vắc xin, thì văn bản của Bộ Y tế lại thiếu phần doanh nghiệp nào nên được khuyến khích.

Cần nhấn mạnh, đặt vấn đề doanh nghiệp nào nên tiếp cận nguồn vắc xin là để nhận thức thực tế, sẽ không có tập đoàn, doanh nghiệp nào có đủ kinh nghiệm như các doanh nghiệp nhập khẩu dược phẩm vốn có kinh nghiệm chuyên ngành dày dạn, và quan hệ kinh doanh với các hãng dược nước ngoài. Do thế, khuyến khích mà chung chung, để các doanh nghiệp “tay mơ” tự đàm phán về vắc xin (chứ không bắt buộc phải là các doanh nghiệp dược), vô hình chung Bộ Y tế đã tạo ra một rủi ro về khả năng doanh nghiệp tiếp cận phải nguồn vắc xin không đảm bảo chất lượng.

Bộ Y tế đã ý thức rõ điều đó, nhưng lại chỉ đạo vô cùng rối rắm, như phân tích dưới đây.

Và Bộ “bịt lại” ủng hộ

Quan sát phát ngôn của lãnh đạo Bộ Y tế đối với hoạt động tìm kiếm, tiếp cận nguồn cung vắc xin phòng Covid-19 của doanh nghiệp trong thời gian gần đây, thì lại đang thể hiện quan điểm trái ngược. Thậm chí, mang hơi hướng phủ nhận, tựa như không có sự tồn tại của Công văn số 4433/BYT-QLD.

Cụ thể, ngày 18/6/2021, Báo Lao động dẫn lời Thứ trưởng Cường cho biết: Từ việc phản ánh tình trạng mập mờ, bất thường qua các văn bản xin cấp phép nhập khẩu vaccine của doanh nghiệp, Bộ Y tế đã cảnh giác cao độ hơn nữa và liên tục đưa ra các cảnh báo nguy cơ lừa đảo khi trong vấn đề nhập khẩu vaccine”.

Theo ông Cường, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã ghi nhận hàng chục đơn vị xin nhập khẩu các loại vắc xin như Moderna, Pfizer... Và cung cấp giấy tờ khẳng định đã tiếp cận được vắc xin, nêu cụ thể số lượng có thể nhập khẩu...

“Tuy nhiên, sau khi Bộ Y tế kiểm tra đối chiếu, xác minh thông tin từ các hãng vaccine thì tất cả đều là giấy tờ "rởm". Có hãng vaccine nói chúng tôi không đủ vaccine để cung cấp cho Chính phủ, làm sao có vaccine để bán cho nhiều đơn vị như vậy" – báo Lao Động trích lời thứ trưởng Cường.

Dẫn một ví dụ liên quan tới vắc xin Moderna, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, sau khi (Bộ) xác minh từ phía Moderna được biết, tháng 05.2021, hãng Moderna chỉ duy nhất cho phép Juellig Pharma (TPHCM) phân phối 5 triệu liều.

"Tôi xin nhấn mạnh là chỉ là phân phối, không phải là bán - nghĩa là họ có thể bán cho một đơn vị nào đó rồi Juellig Pharma sẽ bảo quản và phân phối. Vậy mà các giấy tờ đề nghị cấp phép nhập khẩu vaccine của một số đơn vị còn khẳng định nhập khẩu được 20 triệu liều, 40 triệu liều... Vậy, họ lấy đâu ra vaccine để nhập khẩu vào Việt Nam?" – Báo Lao động trích dẫn phân tích của thứ trưởng Cường.

Đây là một khẳng định khá… cá nhân của thứ trưởng. Nói cá nhân bởi lẽ, theo quy định tại Khoản 10, Điều 91, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, thì "Các cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được thực hiện quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trừ thuốc và nguyên liệu làm thuốc do chính cơ sở sản xuất tại Việt Nam".

So sánh có thể thấy, quan điểm của thứ trưởng Cường được Báo Lao động trích dẫn đã “bóp méo” quy định của nghị định 54/2017. Và đồng thời bóp méo luôn tinh thần “cởi trói” để nhanh chóng có nguồn nhập vắc xin đã thể hiện tại Công văn số 4433/BYT-QLD ngày 31.5.2021 do chính Bộ Y tế ban hành.

Cần nhắc lại, do tính khẩn cấp của nhu cầu vắc xin, Bộ Y tế mới nới cơ chế để các doanh nghiệp có thể căn cứ vào sự nới ấy, khẩn trương tìm kiếm nguồn và nhanh chóng nhập khẩu, phân phối. Và, sự nới cơ chế của Bộ Y tế, sự khẩn trương của doanh nghiệp, cũng đúng với chủ trương của Bộ chính trị, chỉ đạo của Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vắc xin phòng Covid 19.

Đương nhiên, trong nỗ lực nới cơ chế để nhanh chóng có nguồn vắc xin, Bộ Y tế phải làm tốt việc thẩm định, xem xét, hướng dẫn, thậm chí là hỗ trợ tối đa các đơn vị trong thực hiện hoạt động này. Thay vì giải thích theo kiểu “bẻ cong” quy định, khiến việc nhập khẩu vắc xin đang từ theo chủ trương lớn, lại trở thành phụ thuộc vào các chỉ đạo cá nhân, thay vì căn cứ vào quy định.

Cần nhắc lại, những nhận định thể hiện vai trò “cảnh báo”, thậm chí là “không liên quan” của thứ trưởng Cường được báo Lao động dẫn, có thể dẫn tới cách hiểu sai lầm, các doanh nghiệp trong nước đang chạy đua tiếp cận và tìm cách thực hiện các giao dịch mua bán vắc xin, là đã tạo điều kiện cho các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt có nguy cơ gia tăng.

Trước đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có chỉ đạo về việc nhanh chóng có giải pháp nhanh chóng dập dịch Covid-19. Còn tại Thông báo 31/TB-VPCP ngày 25.02.2021 về kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất mua vắc xin Covid-19 theo phương thức xã hội hóa.

Như vậy, xã hội hóa tìm kiếm nguồn cung vắc xin để đẩy nhanh tiêm chủng đã trở thành chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ. Nhưng với chỉ đạo của Bộ Y tế, thì phải đặt câu hỏi đó là khuyến khích, hay là cản trở nỗ lực tìm kiếm nguồn vắc xin đây ?

Thông tin bổ sung, hiện có rất nhiều các thông tin về vắc xin Covid-19 nhập khẩu. Đầu tháng 6.2021, Bộ Y tế đã công bố danh sách 36 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vắc xin, trong đó có vắc xin Covid-19. Nhưng, thông tin về việc doanh nghiệp đã nhập khẩu thành công vắc xin Covid-19, thì lại rất hạn chế, nếu không nói là không có thông tin này.

Điều đó có làm Bộ Y tế - trong tư cách Bộ được giao nhiệm vụ tổ chức việc nhập khẩu Vắc xin – phải suy nghĩ ?

Theo Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/hai-thu-truong-bo-y-te-da-venh-nhau-nhu-the-nao-34571.html

Bạn đang đọc bài viết Khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận vắc xin Covid 19: Hai thứ trưởng Bộ Y tế đã vênh nhau thế nào ? tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành
Tin tức mới nhất