9 tháng giải ngân 34% kế hoạch
Báo cáo mới nhất về tiến độ giải ngân vốn cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cung cấp cho thấy, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của toàn thành phố vẫn rất chậm, trong đó chậm nhất là ở cấp thành phố.
Từ đầu năm 2019, Thành phố đã phân bổ và giao kế hoạch đầu tư năm 2019 với tổng vốn 44.917 tỷ đồng. Với 2 lần bổ sung kế hoạch vốn, tổng kế hoạch vốn cho đầu tư của toàn Thành phố đến nay 52.525 tỷ đồng.
|
Với tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư 9 tháng gần như thấp nhất, Hà Nội đứng trước nguy cơ phải nhường nguồn lực này cho những địa phương khác. |
Tuy nhiên, sau gần 9 tháng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Thành phố mới giải ngân được 16.000 tỷ đồng, đạt khoảng 34% kế hoạch giao (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 45,64% và thấp dưới mức bình quân chung của cả nước 49,14%). Trong đó, giải ngân vốn ODA nguồn ngân sách trung ương cấp phát được 565,8 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch.
Thực tế cho thấy, chỉ một số ít đơn vị có kết quả giải ngân khá và còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung của Thành phố. Cụ thể, với 223 dự án đầu tư cấp Thành phố, có 86 dự án chuyển tiếp và 137 dự án khởi công mới. Đến nay, đã hoàn thành phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 126/137 dự án khởi công mới năm 2019.
Trong số đó, Thành phố đã bố trí vốn đầu tư 1 dự án chuyển tiếp là Dự án xây dựng cầu Bắc Linh Đàm đã hoàn thành đưa vào sử dụng. 5 dự án đầu tư theo cơ chế đặc thù từ nguồn tiền sử dụng đất thì năm 2019 đã bố trí vốn và đang tổ chức thi công xây dựng 3 dự án; đang thực hiện công tác GPMB 01 dự án và đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng 1 dự án.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, đặc thù của Hà Nội cũng như một số thành phố lớn là thi công xây dựng công trình trong đô thị, mặt bằng thi công chật hẹp và phải thi công vào ban đêm đã gây ra những vướng mắc và chậm tiến độ trong GPMB, nhất là những dự án xây mới hoặc mở rộng các tuyến đường giao thông.
Theo ông Hùng, có tình trạng một số huyện đã dự kiến bố trí kế hoạch vốn từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất nhưng mức thu được từ đấu giá đất không đạt theo kế hoạch, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn bố trí cho đầu tư. Ngoài ra, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thời gian triển khai các thủ tục lập, thẩm định – thiết kế, dự toán công trình để đủ điều kiện tổ chức đấu thầu thi công thường mất từ 6 – 8 tháng. Tình trạng này làm cho những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh giải ngân vào những tháng cuối năm.
Dành nguồn lực cho địa phương khác
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 mới diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đầu tư công trong thời gian qua đã đóng góp rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các hạ tầng khi chiếm 10,7% tổng giá trị GDP, chiếm 32% toàn xã hội.
Theo thống kê, hiện có 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 30%.
“Tình trạng chậm giải ngân đã có gần 10 năm, và đã tạo ra tình trạng nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế. Vốn là một trong những yếu tố quan trọng, nhưng nó lại nằm tại nhiều địa phương. Do đó, nếu địa phương nào, ngành nào không giải ngân được thì để dành nguồn lực đó cho địa phương khác. Đổ lỗi do mặt bằng, thủ tục, năng lực thi công, thể chế... nhưng cả nước có nhiều địa phương, nhiều ngành giải ngân rất tốt 70 – 80%, thậm chí cao hơn nhiều", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Tuy có tỷ lệ giải ngân trên 30%, nhưng Hà Nội đang đứng trước nguy cơ phải nhường nguồn lực này cho địa phương khác khi liên tục nằm trong top các địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm nhất cả nước.
Trước tình trạng này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, Sở đã yêu cầu các chủ đầu tư hàng tuần kiểm soát tiến độ từng dự án để kịp thời giải quyết. Việc đề xuất nhu cầu điều hòa, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư từ những dự án không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt cũng cần được công khai minh bạch.
Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để tổ chức đấu thầu, khởi công xây dựng đối với 71 công trình thuộc nhóm khởi công mới năm 2019 nhưng chưa khởi công. Thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán của 39 công trình khởi công mới còn lại.
Đồng thời, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn về điều kiện bố trí kế hoạch vốn đối với các dự án cần thiết, được phê duyệt quyết định đầu tư sau ngày 31/10 trước năm kế hoạch, không chỉ được sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách, nguồn tăng thu, kết dư ngân sách mà có thể từ nguồn điều chỉnh kế hoạch của những dự án giải ngân chậm, không có khả năng thực hiện.
Theo Nguyễn Trang/Báo Đầu Tư