PVI bồi thường bảo hiểm ước tính 150 tỷ đồng
Trả lời báo chí cuối tuần trước, ông Ngô Việt Trung, Phó cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết Tổng Công ty Bảo hiểm PVI (PVI) là nhà bảo hiểm cấp đơn bảo hiểm cháy, nổ cho RAL.
Rạng Đông là công ty sản xuất bóng đèn và phích nước hàng đầu Việt Nam. Trong đó, thị phần phích nước hiện chiếm khoảng 85%. Còn với bóng đèn, Rạng Đông là một trong ba doanh nghiệp có thị phần lớn nhất nước. Rạng Đông đang tập trung vào mảng sản xuất đèn với sản phẩm chủ lực là đèn LED. Ngoài nhà máy chính đặt tại Hạ Đình, Rạng Đông còn một nhà máy đặt tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh.
Sau vụ cháy, Rạng Đông đã có văn bản gửi đến Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE), thông tin giải trình về những thiệt hại sau vụ hỏa hoạn hôm 28/8. Rạng Đông cho biết, ước tính sơ bộ ban đầu của công ty về thiệt hại tài sản khoảng 150 tỉ đồng.
“Theo số liệu PVI cung cấp, số tiền bảo hiểm là 450 tỷ đồng, ước số tiền bồi thường thuộc phạm vi bảo hiểm khoảng 150 tỷ đồng. Hiện PVI đang phối hợp với các bên có liên quan để xác định thiệt hại, thu thập chứng từ, tài liệu có liên quan để làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật", ông Trung cho biết.
Bảo hiểm cháy nổ - Đã đến lúc thực sự cần thiết
Liên quan đến khâu bán bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm thời gian qua của các công ty bảo hiểm, ông Trung cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực, chủ động triển khai bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tới các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ; kịp thời giải quyết bồi thường bảo hiểm cho các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ khi không may bị thiệt hại do cháy, nổ.
Điển hình như vụ cháy ở Công ty Meiko Eletrics Việt Nam tại Hà Nội năm 2012 đã bồi thường 520 tỷ đồng; các tổn thất xảy ra ngày 13-14/5/2014 do một số đối tượng gây rối tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh gây ra đã bồi thường 1.209 tỷ đồng; vụ cháy ở Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) tại Quảng Nam năm 2016 đã bồi thường khoảng 340 tỷ đồng; vụ cháy ở Công ty THHH Kwong Lung Meko đầu năm 2017 tại Cần Thơ ước bồi thường khoảng 396 tỷ đồng...
Chính sách bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là hết sức cần thiết, là giải pháp tài chính hữu hiệu giúp các tổ chức, cá nhân không may bị thiệt hại do cháy, nổ gây ra sớm khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống. Bởi lẽ, trong quá trình vận hành, sử dụng và sản xuất kinh doanh, các tổ chức, cá nhân cũng khó có thể phòng tránh được hết các rủi ro cháy, nổ.
|
Vụ cháy Rạng Đông. |
Có thể nói, một trong những giải pháp để giảm thiểu tối đa những tổn thất nặng nề do cháy, nổ gây ra là tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Theo quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ, tất cả các tổ chức, cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ (Phụ lục II, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP), như nhà chung cư, khách sạn, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên, nhà trẻ, trường mẫu giáo trông giữ từ 100 trẻ trở lên, cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên, cửa hàng gas… đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.
Tuy nhiên, số đơn vị tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc còn quá ít, đa phần là các doanh nghiệp lớn; số còn lại chưa thực hiện đúng quy định, hoặc khó tiếp cận với loại bảo hiểm này.
Nhiefu chuyên gia cho biết, có quá nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Ngoài việc nhận thức của nhiều cơ sở về việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ còn hạn chế, thì mức phí đóng khá cao do căn cứ theo định giá tài sản, là một trong những rào cản. Sự phối hợp giữa ngành bảo hiểm với các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu thực hiện chế độ bảo hiểm chưa chặt chẽ, thường xuyên.
Mức phạt tiền trong lĩnh vực bảo hiểm tương đối cao (80 triệu đồng), thẩm quyền người ra quyết định xử phạt là Chủ tịch UBND Thành Phố, trong khi nhiều đối tượng xử phạt có quy mô nhỏ, chủ cơ sở là các hộ dân (nhà nghỉ, cửa hàng gas…), nên trong quá trình kiểm tra, công tác xử lý của lực lượng chức năng còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân nữa khiến việc triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc còn hạn chế, là do nhiều nơi muốn mua mà không được. Điển hình như các chợ truyền thống xây dựng đã lâu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro..., thường bị các doanh nghiệp bảo hiểm từ chối.
Để loại hình bảo hiểm này thực sự đến gần hơn với các doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu một cách tối đa các tổn thất nặng nề do cháy, nổ gây ra, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các cơ sở, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Cảnh sát PCCC tỉnh và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan đến bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Theo Đầu tư Chứng khoán