Nghị định 17 có thay đổi bức tranh của thị trường ô tô Việt Nam?
Nghị định 17/2020/NĐ-CP mới ban hành giúp ô tô nhập khẩu dễ dàng tràn vào Việt Nam. Sau khi Nghị định 17 được ban hành, những rào cản cuối cùng đối với ô tô nhập khẩu chính thức được gỡ bỏ.
Nhiều người lo ngại, xe nhập khẩu với những lợi thế về công nghệ, quy mô và giá thành sản xuất… sẽ là những thách thức cực lớn đối với hoạt động sản xuất ô tô tại Việt Nam.
|
Nghị định 17 sẽ có hiệu lực từ ngày 22/3/2020 tới đây và với những gì mà ô tô nhập đã “vượt khó” ngoạn mục trong năm 2019 thì không khó để mường tượng ra bức tranh của thị trường ô tô Việt Nam năm nay khi mùa kinh doanh mới chính thức khởi động lại chưa đầy tháng.
Nhìn lại năm 2018, bắt đầu thực hiện thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm về 0% theo Hiệp định ATIGA nhưng một “hàng rào” ngay lập tức có hiệu lực song song là Nghị định 116 với yêu cầu kiểm định ô tô theo lô và nhà nhập khẩu phải cung cấp giấy chứng nhận kiểu loại từ nhà sản xuất.
Rào cản này khiến ô tô nhập chững lại. Nếu như năm 2017 có khoảng 94.000 ôtô nguyên chiếc (CBU) về Việt Nam thì sang năm 2018, con số là 81.609 chiếc, giảm 16,1%. Thế nhưng kết thúc 2019, ô tô nhập đã tự hồi phục và “lợi hại hơn” với con số 142.000 chiếc, tăng 71%.
Con số tăng trưởng “khủng” như trên bất chấp rào cản Nghị định 116 cho thấy sức hấp dẫn từ thuế nhập khẩu 0%. Lượng xe được nhập chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia. Các hãng xe sau một năm 2018 loay hoay đã tự gỡ rối hoàn thiện thủ tục giấy tờ, bội thu xe nhập. Lấy đơn cử như Toyota Việt Nam (TMV).
Năm 2018, TMV tiêu thụ 13.200 ô tô nhập, giảm 26% so với năm 2017. Thế nhưng doanh nghiệp có vốn FDI này đã cải thiện lượng bán xe nhập lên hơn 29.200 chiếc vào năm ngoái, tăng trưởng tới hơn 121%.
Bên cạnh đó, khi thay đổi từ Nghị định 17 loại bỏ giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại thì ô tô nhập khẩu từ các thị trường khác dễ về hơn.
Đại diện Audi Việt Nam từng than thở rằng suốt 2 năm trời, kế hoạch làm truyền thông về xe chỉ thực sự tất bật vào Quý cuối năm khi có triển lãm, còn trong năm “ngồi chơi” vì không có xe mới về. Khó khăn về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là bất lợi với một vài thương hiệu do một số quốc gia không cấp cho doanh nghiệp. Nhờ Nghị định 17, mọi khó khăn nhập xe đều tan biến.
Người tiêu dùng hưởng lợi, xe nội lo "vỡ trận"
Cơn “sóng thần” gây ra bởi ô tô nhập khẩu ồ ạt tràn về là hiện hữu và được báo trước, trực tiếp ảnh hưởng đến mảng xe lắp ráp trong nước, vốn đang chiếm khoảng 67% thị phần.
Giám đốc một đơn vị nhập khẩu ô tô ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng cho hay, cái lợi trước mắt cho các nhà nhập khẩu là bớt độ trễ sau khi mẫu mới ra mắt ở thị trường Đông Nam Á. Nếu như trước đây, sau vài tháng đến nửa năm kể từ khi ra mắt, mẫu xe đó mới được đưa về thì nay có thể chỉ sau vài tuần đã có mặt tại đại lý. Cạnh tranh về giá thì chưa có số liệu cụ thể nhưng sức mua tăng thì giá sẽ giảm.
|
Tương tự, Giám đốc một đại lý ô tô của Mitsubishi tại Hà Nội cũng cho rằng, chắc chắn khi những rào cản kỹ thuật với xe nhập khẩu được dỡ bỏ, lượng xe nhập khẩu sẽ tăng mạnh, chắc chắn xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ gặp khó khăn.
"Những quy định trong nghị định 17/2020 chắc chắn tác động tích cực đến quy trình nhập khẩu ô tô về Việt Nam. Trước hết là về thời gian, bỏ thủ tục kiểm tra theo lô và giấy chứng nhận VTA sẽ giúp tiết kiệm được từ 15 - 20 ngày so với trước. Thời gian là chi phí, do đó cũng giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh với các đại lý chặt chẽ hơn, chính xác hơn.
Xe nhập về cảng sẽ nhanh hơn và nhiều hơn, đương nhiên sẽ gây áp lực cạnh tranh lên xe lắp ráp trong nước. Lúc đó, các nhà sản xuất lắp ráp xe nội buộc phải tìm cách thích ứng” - Đây cũng là chia sẻ của một Giám đốc một nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô lớn tại Việt Nam.
Trong khi tại Việt Nam, việc đầu tư một dây chuyền sản xuất rất lớn nhưng số lượng xe bán ra còn thấp, lại chưa thể xuất khẩu nên thời gian thu hồi vốn chậm. Thực tế đã có những dây chuyền sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam phải bán lỗ cho nước ngoài vì không đạt được mục tiêu kinh doanh.
Hiện tại, các doanh nghiệp ô tô nội chỉ còn trông đợi vào đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị gia tăng trong nước như một giải pháp khả thi nhất để cứu cánh cho nền công nghiệp ô tô Việt Nam trước lo ngại sóng thần ô tô nhập khẩu sắp tới. Nhưng cho đến thời điểm này, đề xuất này vẫn chưa đi vào thực tiễn.
Tuy nhiên theo một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh ô tô, sau khi sửa Nghị định 116, khó xuất hiện tình trạng nhập khẩu ô tô “thả phanh”. Thực tế không phải doanh nghiệp nhập khẩu cứ thấy dễ dàng là làm mà còn phải tính toán sức tiêu thụ trong nước.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, tuy đến nay Nghị định 116 mới được sửa nhưng trước đó, việc nhập khẩu xe hầu như không còn gặp khó khăn. Vì thế, việc nhập khẩu xe vẫn sẽ đều đều, không diễn ra ồ ạt. “Hiện một số doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng đã có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu về chất lượng. Như Thaco đã nâng cao chất lượng, cạnh tranh rất mạnh, tiêu chuẩn tương đương với Nhật Bản đã được thừa nhận, nhà máy tự động hóa toàn bộ sẽ có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu”.
Tại lễ công bố mở rộng nhà máy tại Hải Dương mới đây, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam cũng cho hay, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước có tác động tích cực, giống như với giảm thuế nhập khẩu linh kiện mà trong nước chưa sản xuất được.
Trong một giai đoạn nhất định, khi quy mô thị trường chưa đủ lớn, giá thành sản xuất trong nước vẫn cao hơn các nước xung quanh thì những hỗ trợ đó là cần thiết. Tất nhiên nên có thời hạn và mở ra cho tất cả các đơn vị sản xuất xe trong nước cùng cơ hội như nhau.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ