Mới đây, phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam trong WTO đã diễn ra, đây là cơ hội cho Cơ quan rà soát chính sách thương mại của WTO hiểu sâu hơn về những thành tựu phát triển kinh tế lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2013-2020. Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nước thành viên WTO với hơn 800 câu hỏi về các lĩnh vực thuế, dịch vụ, đầu tư, tài chính ngân hàng, TBT, SPS…
Số lượng câu hỏi lớn cùng sự tích cực tham gia của các nước thành viên WTO tại phiên rà soát cho thấy sự quan tâm rất lớn tới các chính sách thương mại và đầu tư của Việt Nam.
|
Toàn cảnh Phiên rà soát |
Các nước Thành viên WTO đánh giá cao những thành tựu kinh tế và thương mại của Việt Nam trong giai đoạn rà soát 2013-2020 và những tiến bộ trong việc xóa đói giảm nghèo thông qua xuất khẩu bền vững. Việt Nam được đánh giá cao trong tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh để tiến lên vị trí nhóm 20 nước có tỷ trọng thương mại lớn nhất trong số các nước thành viên WTO.
Trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng dương với 2,9% năm 2020. Bên cạnh đó, các chính sách của Việt Nam cũng thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong bài phát biểu bế mạc, bà Chủ tịch Ủy ban rà soát chính sách thương mại của WTO đã kết luận: “Các nước thành viên WTO đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam vào hệ thống thương mại đa phương, phê chuẩn Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại năm 2015 và sửa đổi Hiệp định TRIPS năm 2017.
Một số nước Thành viên mong muốn Việt Nam cam kết thực chất vào quá trình đàm phán trợ cấp thủy sản và thực thi kết luận của MC12. Việt Nam là thành viên của Sáng kiến tuyên bố chung về doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ. Các nước Thành viên mong muốn Việt Nam xem xét khả năng tham gia vào các sáng kiến khác như thuận lợi hóa đầu tư cho phát triển, thương mại điện tử, quy định trong nước về dịch vụ”.
Mỗi kỳ rà soát chính sách thương mại sẽ có hai báo cáo gồm Báo cáo của Ban thư ký WTO do Ban thư ký xây dựng và Báo cáo quốc gia của Việt Nam do Việt Nam xây dựng. Báo cáo của Ban thư ký WTO sẽ gồm những thông tin khách quan mà WTO thu thập liên quan tới toàn bộ các chính sách kinh tế, thương mại của Việt Nam theo các quy định mà Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO.
Đối với lĩnh vực TBT, Ban thư ký WTO đã cập nhật trong báo cáo của mình các chính sách liên quan tới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp, việc thực hiện nghĩa vụ minh bạch hóa của Việt Nam trong lĩnh vực này, những quan ngại thương mại mà Việt Nam gặp phải trong giai đoạn rà soát lần này cũng như cập nhật các số liệu liên quan tới tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đang có hiệu lực…
Trong quá trình xây dựng báo cáo, Ban thư ký cũng đã làm việc trực tiếp với các đầu mối liên quan của Việt Nam để làm rõ, bổ sung hoặc chỉnh sửa các thông tin này.
Liên quan tới cam kết của Hiệp định TBT, các thông tin liên quan tới chính sách xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp đã được cung cấp đầy đủ trong báo cáo Quốc gia cũng như trong các góp ý Báo cáo của Ban thư ký WTO về rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam cũng trả lời hơn 30 câu hỏi của các nước thành viên WTO liên quan tới hài hòa tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế, chính sách liên quan tới ghi nhãn sản phẩm hàng hóa, thủ tục đánh giá sự phù hợp với sản phẩm, hàng hóa, xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật cũng như thực hiện nghĩa vụ minh bạch hóa.
|
Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 |
Cụ thể, về tiêu chuẩn, các quy trình, thủ tục tổ chức biên soạn, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia; quy định về thể thức trình bày, ghi số hiệu TCVN hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, IEC và tuân thủ theo Phụ lục 3 của Hiệp định TBT, do vậy đã góp phần thuận lợi cho công tác hội nhập, hài hòa hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.
Việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực cũng đã được quy định cụ thể tại Điều 6.b của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006.
Việt Nam đã tiến hành đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp và đã có 731 tổ chức thử nghiệm, 179 tổ chức chứng nhận (tổ chức chứng nhận sản phẩm, tổ chức chứng nhận hệ thống quản lý), 79 tổ chức giám định và 116 tổ chức kiểm định đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Thuận lợi hoá thủ tục đánh giá sự phù hợp thông qua hoạt động thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp được coi là một trong những biện pháp để xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nghĩa vụ minh bạch hóa về TBT đã được Việt Nam thực hiện theo đúng quy định của Hiệp định TBT. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 46/2017/QĐ-TTg về quy chế tổ chức và hoạt động của Mạng lưới các cơ quan thông báo và hỏi đáp và Ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Ngày 29/11/2018, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BKHCN quy định hoạt động, phối hợp trong Mạng lưới các cơ quan thông báo và hỏi đáp và Ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại nhằm quy định cụ thể việc phối hợp các cơ quan trong Mạng lưới TBT nhằm thực hiện nghĩa vụ minh bạch hóa của Hiệp định TBT của WTO. Trong đó, yêu cầu các Bộ ngành phải đảm bảo ít nhất 60 ngày cho phép đóng góp ý kiến đối với dự thảo các biện pháp TBT. Đến hết tháng 9/2020 Việt Nam đã gửi 173 thông báo TBT tới Ban thư ký WTO, trong đó giai đoạn rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 (từ năm 2014 đến hết năm 2019), số lượng thông báo đã tăng gấp gần 4 lần so với giai đoạn rà soát chính sách thương mại lần thứ nhất (từ năm 2007 đến năm 2013).
Tại kết luận của mình, Chủ tịch Ủy ban rà soát chính sách thương mại cho biết: “Cam kết của Việt Nam về hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế được các nước ủng hộ. Trong bối cảnh đó, các nước Thành viên đề nghị Việt Nam tiếp tục tăng tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm, cũng như xem xét lại việc thực thi những tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có thể trở thành rào cản kỹ thuật đối với thương mại”.
Theo Chất lượng Việt Nam Online