Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 457/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam. Nhà đầu tư dự án là Công ty trách nhiệm hữu hạn hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).
|
Hãng hàng không Vietravel Airlines với tổng số vốn 700 tỷ đồng, quy mô ban đầu 3 tàu bay đã trở thành hãng hàng không đầu tiên được cho phép thành lập trong bối cảnh Covid-19 đang khiến ngành này lao đao.
Theo quyết định phê duyệt, hãng sẽ khai thác, kinh doanh từ tháng thứ 10 nhận chủ trương đầu tư. Điều này đồng nghĩa, đầu năm 2021 có thể hãng sẽ bay chuyến thương mại đầu tiên.
Hãng sẽ khai thác các chuyến bay trên máy bay Airbus, Boeing hoặc tương đương. Hãng có 3 máy bay trong năm đầu tiên, sau đó tăng dần lên 8 tàu bay vào năm thứ năm khai thác. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm tại địa điểm Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hãng đặt mục tiêu cung cấp khoảng 55% số ghế để đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu của khách du lịch bằng đường hàng không tại công ty mẹ Vietravel. 45% số ghế còn lại cung ứng cho các công ty du lịch và các khách hàng khác trên các chuyến bay thuê chuyến.
Với mạng bay nội địa, Vietravel Airlines chủ trương chọn các cảng hàng không thứ cấp như Chu Lai cho khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Vân Đồn và Hải Phòng cho khu vực Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng; Cần Thơ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm tránh ùn tắc.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định hồ sơ Dự án tại văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của pháp luật; bảo đảm Vietravel Airlines có đủ điều kiện thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư. Bộ Giao thông - Vận tải có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định, cấp phép kinh doanh theo đúng quy định.
Vietravel Airlines chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ Dự án, hiệu quả đầu tư Dự án theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đúng quy định của pháp luật.
Sau Vietravel Airlines, thêm hãng hàng không Kite Air của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh cũng xin được đầu tư bay. Theo hồ sơ xin thành lập hãng bay, Kite Air chọn sân bay Chu Lai (Quảng Nam) làm sân bay căn cứ. Tổng vốn đầu tư của hãng là 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.000 tỷ đồng (chiếm 18% vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, mới đây, Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar cũng có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air.
Vietstar Air đã gửi hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh hàng không năm 2017, với vai trò là hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên tại Việt Nam.
Như vậy, đến nay, ngoài Vietravel Airlines đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư (còn chờ được Bộ GTVT cấp phép bay), còn 2 hãng nữa vẫn xếp hàng chờ được bay là Kite Air và Vietstar Air. Sự ra đời của các hãng bay mới luôn được thị trường đón nhận vì có thêm cạnh tranh, thúc đẩy thị trường hàng không Việt Nam phát triển. Song, trong bối cảnh ngành hàng không đang lao đao vì dịch Covid-19 thì các hãng bay đang đối mặt với thách thức rất lớn, kể cả các hãng đã hoạt động và đang chờ được bay.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ