Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái quy định, làm trái ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Đây là những đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức vào sáng 16/10.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh đây là diễn đàn rất quan trọng để chúng ta đánh giá kết quả đã đạt được với Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 tại Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.
Riêng đối với công tác cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, cả nước đã cổ phần hóa được 162 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn Nhà nước được xác định lại là 205.433,2 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá của cả giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 218.255 tỷ đồng, gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hoá và thoái vốn giai đoạn 5 năm trước đây.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tổng công ty “chậm đổi mới, ngại đổi mới” theo phê duyệt của Thủ tướng. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn nhiều vướng mắc cả về thể chế và tình hình thực hiện.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp làm rõ thêm giá trị pháp lý, cơ sở pháp lý và hiệu lực của công văn 4544/BTC-TCDN ngày 18/4/2019 của Bộ Tài chính về phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá doanh nghiệp: “Yêu cầu rà soát, sắp xếp lại toàn bộ đất đai của các công ty mẹ, công ty con, công ty cháu của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước. Nếu cần thiết phải có sự điều chỉnh phù hợp thì phải điều chỉnh”.
Lãnh đạo Chính phủ cũng dẫn chứng về những tập đoàn, tổng công ty trải dài trên 63 tỉnh và thành phố, nếu chỉ một trong 63 tỉnh, thành phố không phê duyệt phương án sử dụng đất thì tất cả công tác cổ phần hóa ách tắc hết. Đáng chú ý theo Phó Thủ tướng, một số bộ, ngành và địa phương trọng điểm nhưng rất chậm trong cổ phần hoá..., đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, cần phải xem xét nguyên nhân tại sao cổ phần hoá chậm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu.
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Quang Hiếu/VGP |
Về phát hiện các sai phạm, hành vi cố tình làm trái quy định trong cổ phần hoá, thoái vốn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tinh thần công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật theo yêu cầu của Thủ tướng.
Tuy nhiên, trong quá trình này đã phát hiện những bất cập. “Hiện nay, bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thoái vốn Nhà nước, làm trái với ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ, vì vậy không thể chủ quan. Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan đến những vụ việc này.”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Về mặt pháp luật, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các vướng mắc tại Nghị định 167, Nghị định 132, Nghị định 126 nhưng đến nay vẫn rất chậm. Về việc sửa đổi Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp công lập thành Nghị định, chỉ đạo 2 năm nay vẫn chưa hoàn thành, gây ách tắc rất nhiều trong cổ phần hóa...
“Phải kiểm điểm nghiêm túc, xem xét trách nhiệm ở bộ, ngành nào và cơ quan nào?”, Phó Thủ tướng yêu cầu và nhắc đến việc đăng ký, giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán chưa được nghiêm túc, chưa đầy đủ, xuất hiện tại một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước, tổng công ty, nhưng việc kiểm tra và xử lý rất hạn chế, chưa có ai bị cách chức vì vi phạm này, kể cả phân loại đánh giá cán bộ cuối năm, thua lỗ và không chịu thực hiện quy định niêm yết công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán.
“Việc xử lý yếu kém 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành công thương, phải nói rõ các vướng mắc, chủ yếu là vướng ở hợp đồng EPC. Phải chăng các doanh nghiệp, chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về hợp đồng? Có nên kéo Chính phủ vào việc này (xử lý hợp đồng-PV) không khi đây là quan hệ giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp?”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng các quy định liên quan đang trong quá trình hoàn thiện, bộc lộ những bất cập trong phối hợp với các bộ, ngành chủ quản trước kia, đây cũng là vấn đề cần tiếp tục được thảo luận, làm rõ tại Hội nghị này.
Theo Thành Chung/VGP