Không được chủ quan, lơi lỏng chống dịch

Chiều 13-4, chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh "chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác" và việc thực hiện cách ly xã hội tiếp theo hay không sẽ được quyết định vào ngày 15-4.

Thực tế trong những ngày qua đã có sự lơi lỏng hơn, người ra nơi công cộng nhiều hơn so với những ngày trước đó. Một số cửa hàng, cửa hiệu thực hiện chưa nghiêm, vẫn mở cửa bán hàng mà đáng lẽ ra thuộc diện đóng cửa.

Trong khi cả nước, đặc biệt là ngành y tế và các cơ quan liên quan, tích cực thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhưng tình hình lây nhiễm vẫn xảy ra, nhất là ổ dịch Hạ Lôi mới đây.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều ngày 13-4 - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Vì vậy, Thủ tướng lưu ý không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác. Bởi nếu lơi lỏng sẽ dễ vỡ trận, sẽ xóa đi thành quả mà Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, nhân dân đã dày công suốt mấy tháng qua.

Từ đầu tháng 3, cùng với việc thực hiện truy vết các ca F0 để xác định các đối tượng F1, F2, F3 phục vụ mục tiêu cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhóm đã bắt tay xây dựng dữ liệu, phân tích dữ liệu và mô hình dự báo nguy cơ theo từng tỉnh, TP. Mức độ nguy cơ được xác định bởi nhiều chỉ số, trong đó có các chỉ số về năng lực phản ứng của từng địa phương.

Dự báo này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, điều kiện, tình hình các địa phương khác nhau nên cần có các yêu cầu, giải pháp khác nhau nhằm mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội. Các địa phương được phân theo ba nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.

Các chuyên gia tập trung rà soát nhóm các địa phương được dự báo là nguy cơ cao, cần tiếp tục áp dụng cách ly xã hội như quy định tại Chỉ thị 16 thêm một thời gian.

Hai nhóm còn lại sẽ thực hiện nới lỏng. Đặc biệt, nhóm cũng thảo luận những biện pháp cần thống nhất áp dụng trên quy mô cả nước (cho cả ba nhóm) để BCĐ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 15-4.

Ngoài các biện pháp quy định chung như yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách tiếp xúc, cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng), chưa kinh doanh các dịch vụ vui chơi, giải trí…, người đứng đầu chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để quy định các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu kép.

Mức độ nguy cơ của từng địa phương thay đổi theo tình hình, dữ liệu được cập nhật hằng ngày và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực ứng phó của từng địa phương, đặc biệt là năng lực đảm bảo việc thực hiện các quy định chung; năng lực sẵn sàng truy vết, khoanh vùng khi có ca lây nhiễm; năng lực thăm khám bệnh tại nhà của hệ thống y tế đối với nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, nhiều khả năng lây nhiễm.

Chuyên gia phân tích thế nào về giãn cách xã hội?

Phân tích về giãn cách xã hội trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho hay 15 ngày chưa phải là nhiều, có những nước còn thực hiện cả tháng, thậm chí gần như phong tỏa.

Ông Phu cho rằng, với việc số ca lây nhiễm trong cộng đồng đã được phát hiện, nhưng không nhiều (hơn 60% ca bệnh vẫn là từ nước ngoài về), cho thấy dịch tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn được kiểm soát. Tuy vậy, đây là giai đoạn người dân không được chủ quan. “Chỉ số lây nhiễm đầu vụ dịch được WHO cho biết là 2 (1 người lây cho 2 người). Nhưng hiện tại, chỉ số này đã lên 4, rõ ràng là đã có tăng lên”, ông Phu phân tích.

PGS-TS Nguyễn Vũ Trung, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, đánh giá: “Chúng ta đang đối mặt với một vi rút mới, một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ ở thời hiện đại và mức độ ảnh hưởng toàn cầu. Với dịch này, khi thiếu các liệu pháp điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin, thì các kỹ thuật xét nghiệm hiện có sẽ là một phương tiện đặc biệt quan trọng giúp việc xác định ca bệnh, chẩn đoán, điều trị, dự phòng sự lây lan của vi rút”.

Chợ Bến Thành (TP.HCM) vắng lặng trong những ngày cách ly xã hội. Ảnh: Thanh Niên.

Ngoài ra, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là các biện pháp quyết liệt như “giãn cách xã hội” là các yếu tố quyết định góp phần chiến thắng đại dịch này.

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam, học giả nghiên cứu Đại học Indiana (Mỹ), nhìn nhận thực tế cho thấy chính sách cách ly toàn xã hội hiệu quả trong kéo giảm số ca nhiễm. Theo thống kê của Chính phủ, trong tuần đầu tiên cách ly xã hội (từ 1 - 7.4), số ca nhiễm chỉ bằng 42% tuần trước đó; 45/63 tỉnh, thành không có người nhiễm.
Tuy nhiên, TS Du cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề kinh tế khi Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả khảo sát nhanh cho thấy 3 tháng đầu năm có gần 85% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ, 43% phải giảm quy mô lao động do thiếu việc làm...
Mọi chuyện luôn có sự đánh đổi. Nếu chỉ giảm tối đa ca nhiễm Covid-19 thì đóng cửa, dừng tất cả mọi thứ là hợp lý. Nhưng nếu nhìn rộng ra với đa mục tiêu hơn, cân nhắc được - mất của mỗi lựa chọn, thì vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. Rất nhiều người dân phải kiếm sống mỗi ngày ở những lĩnh vực không phục vụ các nhu cầu thiết yếu (như bán vé số, đánh giày, nhặt rác, thậm chí cả bán hoa tươi…).
Thêm vào đó, một nền kinh tế mở như Việt Nam không thể đóng cửa mãi với thế giới. Khi một số nước đối tác lớn qua đỉnh dịch - nhưng khả năng lây nhiễm vẫn còn, rục rịch mở cửa giao thương, thì phương án của Việt Nam là gì? Theo tôi hiểu, mục tiêu của Việt Nam đang là duy trì số ca ít nhất có thể, kéo giãn đỉnh dịch để số ca nhiễm cùng một thời điểm luôn nằm trong sức chịu đựng của hệ thống y tế.
Tuy nhiên, cũng cần phải đặt ra câu hỏi ngoài sức chịu đựng của ngành y tế, khả năng chống chịu tối đa của xã hội trước việc cách ly này là bao lâu”, TS Huỳnh Thế Du phân tích.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/co-tiep-tuc-cach-ly-xa-hoi-sau-ngay-15-4-hay-khong-d73651.htm

Bạn đang đọc bài viết Có tiếp tục cách ly xã hội sau ngày 15/4 hay không? tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Thời sự
Tin tức mới nhất