Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), khẳng định nguyên nhân chính khiến giá thịt lợn “neo” ở mức cao thời gian qua là nguồn cung thịt lợn sản xuất trong nước giảm, còn thiếu so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến.
Việc nhập khẩu để bổ sung cho nguồn cung thiếu hụt của sản xuất trong nước cũng chưa bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Cụ thể, tính đến 27/3 mới chỉ nhập khẩu được hơn 39.000 tấn, trong khi Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn trong quý I.
Về việc 15 DN chăn nuôi lớn giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ 1/4, ông Đông thông tin số DN này chỉ chiếm 35% thị phần chăn nuôi trong nước.
“Như vậy, khoảng trên 65% thị phần còn lại thuộc về các DN không cam kết giảm giá, trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác khắp cả nước”, ông Đông cho biết.
|
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, thị trường đang chịu tác động lớn bởi dịch bệnh và yếu tố tâm lý: số lượng người bán giảm, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, một bộ phận người tiêu dùng mua tích trữ thực phẩm. Tất cả nhà hàng, quán ăn đóng cửa, các phụ phẩm thịt lợn sau giết mổ đều không bán được cũng là nguyên nhân đẩy giá thịt lợn lên cao.
“Ngoài ra, một số thương nhân mua lợn thịt của công ty chăn nuôi lớn cho biết bên cạnh giá mua 70.000 đồng/kg lợn hơi thì phía mua phải trả thêm chi phí ngoài hóa đơn khoảng 10% (7.000-8.000 đồng/kg). Phần chi phí chênh này cũng khiến giá lợn hơi trên thị trường ở mức cao”, đại diện Bộ Công Thương nói.
Theo ông Trần Duy Đông, khâu trung gian là yếu tố tất yếu để bảo đảm đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng và mặt hàng thịt lợn không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, khâu trung gian ở đây có phần phức tạp hơn.
Cụ thể, thịt lợn cần qua các công đoạn sơ chế, chế biến đặc thù; tồn tại hệ thống lò giết mổ nhỏ lẻ, phân tán để cung cấp lợn thịt cho các chợ dân sinh. Trong khi đó, người dân Việt Nam chuộng thịt lợn nóng.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết giá thịt lợn tăng dần theo 2 đường chính gồm chi phí tăng tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ.
Với chuỗi cung ứng, qua mỗi giai đoạn thì giá lợn hơi/thịt lợn sẽ tăng trung bình khoảng 8-10% do những đối tượng tham gia đều có chi phí sản xuất và lợi nhuận tương đương. Theo đó, từ DN chăn nuôi đến người tiêu dùng, giá lợn hơi từ 70.000 đồng/kg sẽ tăng lên khoảng 90.000-100.000 đồng/kg.
Qua các công đoạn giết mổ, pha lóc, từ 100 kg lợn hơi thu được 55 kg thịt lợn ăn được (gồm cả nạc và mỡ). Từ giá thành 70.000 đồng/kg lợn hơi, chi phí 1 kg thịt lợn thành phẩm (cả nạc và mỡ) tăng lên thành 127.000 đồng/kg (không bao gồm chi phí tại các khâu trong chuỗi cung ứng).
“Chúng ta có thể thấy giá thịt lợn qua các công đoạn lưu thông và chế biến đến tay người tiêu dùng hiện nay theo đúng cơ chế thị trường và không phải do khâu trung gian đẩy giá lên cao”, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nói.
Ông Đông nhận định bản chất thị trường hiện nay vẫn là yếu tố cung cầu quyết định giá cả. Do vậy, để đảm bảo nguồn cung, cần tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; nhập khẩu thịt lợn, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm.
Các DN chăn nuôi tiếp tục giảm giá bán lợn hơi và tăng số lượng bán ra thị trường vì với giá thành sản xuất hiện nay, giá bán lợn hơi 70.000 đồng/kg là quá cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp chăn nuôi phải thực hiện việc giảm giá bán đúng như cam kết với Chính phủ.
Để giảm tối đa khâu trung gian, cần tái cơ cấu mạnh mẽ ngành chăn nuôi theo hướng giảm số lượng cơ sở chăn nuôi và lò mổ nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn và giết mổ tập trung. Đồng thời, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thịt lợn.
Theo Doanh nhân & Pháp luật