Gian lận tinh vi
Nhiều năm nay, tình trạng gian lận thương mại đang thực sự trở thành “ung nhọt” cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt gây ảnh hưởng tiêu cực đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Các chuyên gia nhận định, nếu như trước đây, người vi phạm chỉ có trình độ văn hoá thấp, thì nay chuyển sang trình độ nhận thức, học vấn, thậm chí chuyên môn cao. Có đối tượng hiểu biết chính sách, am hiểu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức với những thủ đoạn mới.
|
Theo Trung tá Nguyễn Minh Thông, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an, tại Việt Nam đang xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch nhà máy sang để sản xuất hàng hoá, nhưng thực chất là đưa hàng hoá, chi tiết, linh kiện sang Việt Nam để gia công, lắp ráp đơn giản, sau đó gắn nhãn Made in Vietnam. “Hàng hoá dạng này khi nhập khẩu không thể hiện xuất xứ sản phẩm, nhưng khi làm thủ tục hải quan hay lưu thông ra thị trường lại gắn nhãn Made in Vietnam”, Trung tá Nguyễn Minh Thông cảnh báo.
Một thủ đoạn khác của tội phạm dạng này cũng được C03 ghi nhận là việc doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá có thành phần, tiêu chuẩn định lượng không đúng hồ sơ công bố, hoặc giấy đăng ký xin cấp phép để bán cho người tiêu dùng.
“Khi lực lượng chức năng kiểm tra, các đối tượng đối phó bằng việc đổ cho điều kiện bảo quản không đảm bảo nên chất lượng bị ảnh hưởng là yếu tố khách quan, nằm ngoài sự kiểm soát chủ quan của doanh nghiệp”, đại diện C03 nói và cho biết thêm, hình thức gian lận này đa phần tập trung vào nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”, Trung tá Nguyễn Minh Thông phân tích.
Tinh vi hơn, theo đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, lợi dụng là đơn vị phân phối sản phẩm độc quyền tại Việt Nam, nhiều tổ chức đã gia công sản phẩm giống với hàng chính hãng để bán ra thị trường tiêu thụ.
“Trước đây hàng giả và hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ theo phương thức truyền thống thường là giả của thương hiệu, nhãn hiệu khác. Nhưng hiện nay lợi dụng cơ chế chính sách, sự am hiểu hàng hoá khiến các đối tượng đánh cắp được công nghệ để sản xuất hàng hoá có chất lượng và hàm lượng không như công bố. Khó khăn khi xử lý hình sự những đối tượng này là việc phải chứng minh được hành vi làm giả là ý thức chủ quan của doanh nghiệp”, Trung tá Nguyễn Minh Thông cho biết.
Chưa hết, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn nhắc tới hành vi làm giả hồ sơ tài liệu của sản phẩm như: Chứng nhận xuất xứ hàng hoá; Chứng nhận kiểm định chuyên ngành; Giấy uỷ quyền thương mại…
“Thời gian qua ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều ở nhóm các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, thực phẩm, hoặc có hoạt động nhập khẩu hàng hoá là dược phẩm, bánh kẹo, trái cây, bột gia vị, hương liệu dùng để chế biến thực phẩm từ Trung Quốc về Việt Nam. Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm lại thể hiện nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Những sản phẩm này khi làm thủ tục hải quan sẽ được phân luồng xanh nên cơ quan hải quan không kiểm soát được”, Trung tá Nguyễn Minh Thông chỉ rõ.
Độ nguy hiểm của giấy tờ giả, theo vị này, còn thể hiện ở chỗ, tại thị trường nội địa, khi cơ quan chức năng kiểm tra, các đối tượng xuất trình giấy tờ có dấu hiệu bị giả mạo hoặc dùng bản dịch không được cơ quan chức năng chứng thực, với nội dung cho phép doanh nghiệp sử dụng tên, nhãn hiệu và thiết kế bao bì sản phẩm được nhập khẩu từ đơn vị được chỉ định.
“Với thủ đoạn như vậy, các đối tượng đã lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với các thương hiệu nước ngoài để lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài”, Trung tá Nguyễn Minh Thông nói.
Cần quyết liệt ngăn chặn
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian những tháng cuối năm luôn là thời gian cao điểm trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt khi tình hình trong và ngoài nước có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động của đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi.
Để chủ động làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong những tháng cuối năm, nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kiểm soát Hải quan, trong thời gian tới ngành Hải quan sẽ tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm sau:
Thứ nhất, tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh nhưng vẫn đảm bảo công tác kiểm soát hải quan. Tập trung thực hiện tốt các công tác nghiệp vụ cơ bản nhằm xác định các đối tượng, địa bàn trọng điểm, hàng hóa trọng điểm để phát hiện, đấu tranh với các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Thứ hai, bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đó, xây dựng kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn sát với tình hình thực tế cho từng địa bàn.
Thứ ba, tiếp tục cải cách, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; Tinh nhuệ, chính quy lực lượng; Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế, triệt tiêu nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm.
Thứ tư, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nhằm phát hiện, đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.