Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có báo cáo số liệu nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt giai đoạn từ đầu năm đến ngày 13/4.
Theo báo cáo, tính đến ngày 13/4, Việt Nam đã nhập khẩu 46.402 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu từ Canada 24,59%, Đức 19,32%, Ba Lan 14,14%, Brazil 9,50%, Mỹ 8,39%, Tây Ban Nha 6,72%, Liên bang Nga 4,04%.
|
Khách hàng chọn mua thịt lợn tại siêu thị. Ảnh: TTXVN |
Trong hơn 4 tháng đầu năm, Việt Nam cũng đã nhập khẩu 37.104 tấn thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò; 78.376 tấn thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm; 190 tấn thịt dê, cừu và sản phẩm thịt dê, cừu.
Về nhập khẩu lợn giống (chủ yếu là lợn giống cụ kỵ và ông bà), các doanh nghiệp nhập khẩu từ các nước như: Hoa Kỳ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc) trong năm 2019 là 2.494 con và trong 3 tháng đầu năm 2020 là 1.808 con.
Hiện nay, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam; trong đó, có 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tốc độ tái đàn lợn trong quý I-2020 đạt 6,3%, nhưng riêng khu vực 15 đơn vị sản xuất rất lớn đạt tốc độ lên tới 17%. Dự báo thời gian tới, tốc độ tăng đàn sẽ rất nhanh.
Bộ cũng khuyến nghị các tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các đối tượng phát triển chăn nuôi, đặc biệt chú ý đến nông dân sản xuất nhỏ được tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt về vốn bởi giá lợn giống cao.
Các cơ quan chuyên môn từ chăn nuôi, thú y, khuyến nông phải vào cuộc, tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi, không thể vì tăng đàn mà gặp lại rủi ro dịch bệnh tái phát.
Khánh Chi (TH)/SHTT