Tại thị trường thế giới tính đến đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) ngày 6/3, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2021 đứng ở mức 66,08 USD/thùng, tăng 2,46 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 5/3, giá dầu WTI giao tháng 5/2021 đã tăng 2,2 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 5/2021 đứng ở mức 69,56 USD/thùng, tăng 2,82 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 2,54 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 5/3.
|
Ảnh minh họa |
Giá dầu tiếp tục tăng khoảng 3% lên cao nhất trong hơn một năm, nhờ báo cáo việc làm tốt hơn dự báo của Mỹ và quyết định không tăng sản nguồn cung trong tháng 4 của OPEC và các đồng minh.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent giao sau tăng 3,9% lên 69,36 USD/thùng. Trong phiên giá cũng có lúc lên tới mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 3,5% lên 66,09 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu Brent đã tăng 5,2%, đánh dầu tuần tăng thứ 7 liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020, trong khi giá dầu WTI tăng khoảng 7,4% sau khi tăng gần 4% vào tuần trước.
Cả hai loại dầu đều tăng hơn 4% vào thứ Năm (4/3) sau khi OPEC và các đồng minh, được gọi là OPEC+, kéo dài thoả thuận hạn chế sản lượng dầu vào tháng 4, nhưng cấp miễn trừ nhỏ cho Nga và Kazakhstan.
Giới đầu tư đã rất kinh ngạc khi Arab Saudi quyết định duy trì mức giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 4 ngay cả sau đợt tăng giá dầu trong hai tháng qua nhờ các chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên toàn cầu.
Một số nhà dự báo đã điều chỉnh kỳ vọng giá tăng sau quyết định của nhóm OPEC+, theo Reuters.
Theo đó, Goldman Sachs đã tăng dự báo giá dầu thô Brent thêm 5 USD lên 75 USD/thùng trong quý II/2021 và 80 USD/thùng trong quý III/2021. UBS cũng đã nâng dự báo giá dầu Brent lên 75 USD/thùng và dầu WTI lên 72 USD trong nửa cuối năm 2021.
Ngoài ra, thị trường cũng được hỗ trợ sau khi một báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm hơn dự kiến trong tháng 2.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA (New York, Mỹ) cho biết báo cáo về bảng lương phi nông nghiệp cho thấy hành vi tiêu dùng của người Mỹ sắp trở lại như trước đại dịch, điều sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu thô mạnh mẽ.
Các thương nhân cũng lưu ý rằng USD tăng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/20202, đang hạn chế đà tăng của giá dầu thô. Đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu trở nên đắt hơn đối với những người mua bằng ngoại tệ khác.
Tuy nhiên, các nhà phân tích và thương nhân cho rằng doanh số bán dầu thô vật chất chậm và nhu cầu phục hồi không được dự đoán cho đến khoảng quý III cho thấy đà tăng giá dầu không được đảm bảo.
Tại thị trường trong nước, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92 bán với giá 17.031 đồng/lít tăng 722 đồng/lít
RON95-III tăng 814 đồng/lít lên mức 18.084 đồng/lít
Dầu diesel 0.05S tăng 801 đồng/lít lên mức 13.843 đồng/lít
Dầu hỏa tăng 702 đồng/lít lên 12.610 đồng/lít
Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 505 đồng/kg lên 13.127 đồng/kg
Mức giá này chính thức có hiệu lực từ 15h ngày 25/2.
Theo Kinh tế Chứng khoán