Tại Trung Quốc, các biện pháp kiểm soát môi trường nghiêm ngặt, được thiết kế để hạn chế sản xuất thép, không phải là yếu tố báo hiệu sự kết thúc của giai đoạn bùng nổ giá quặng sắt.
Các công ty khai thác sản xuất quặng sắt cấp cao hơn có thể sẽ được hưởng lợi từ các hạn chế này.
Theo Fastmarkets MB, vào hôm nay, giá quặng sắt giao ngay đã giảm 2,7% xuống mức thấp nhất trong sáu tuần qua là 157,01 USD/tấn. Các nhà đầu tư hiện đang rất thận trọng về triển vọng đối với mặt hàng này.
|
Ảnh minh họa |
Tuần trước, các nhà hoạch định chính sách ở Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc, đã công bố kế hoạch hạn chế sản xuất đối với một số nhà sản xuất thép cho đến cuối năm để giảm lượng khí thải.
Mặc dù giá quặng sắt giảm trong thời gian đầu từ quyết định này, nhưng một số chuyên gia tin rằng điều kiện thị trường vẫn sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất.
Tuy nhiên, những hạn chế gia tăng đối với khí thải ở Trung Quốc đã không thuyết phục được tất cả những người tham gia thị trường. Tính từ đầu tháng 3, giá quặng sắt giao ngay đã giảm hơn 10%.
Theo các nhà phân tích tại Morgan Stanley India, nhu cầu phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, cộng với cải cách trọng cung ở Trung Quốc, sẽ khiến giá thép quốc tế đạt mức cao hơn. Trung Quốc vẫn là một quốc gia tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới.
Hiện tại, quốc gia này đang tăng cường thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường nhằm kiểm soát lượng khí thải carbon.
Công ty Morgan Stanley ở Trung Quốc cho rằng, những nỗ lực của quốc gia này nhằm đạt được mức độ trung lập carbon có thể dẫn đến xu hướng tăng chi phí trong sản xuất.
Đồng thời, chủ trương này cũng có khả năng gây gián đoạn nguồn cung đối với các ngành tiêu thụ nhiều điện năng và phát thải cao như thép và nhôm.
Nhu cầu thép tiếp tục tăng và nguồn cung hạn chế từ Trung Quốc có thể nâng giá thép quốc tế và mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất Ấn Độ.
Bên cạnh đó, rủi ro thấp hơn từ hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc cũng là một yếu tố có khả năng tích lũy lợi nhuận cho các nhà sản xuất ở quốc gia Nam Á này, LiveMint đưa tin.
Doanh nghiệp thép Việt đón gió thuận chiều
Các doanh nghiệp thép lớn tại Việt Nam đang chuyển hướng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, những thị trường yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng nhưng có giá bán cao hơn so với các thị trường truyền thống tại khu vực Đông Nam Á.
Hãng tôn lớn nhất nước - Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) đã thiết lập kỷ lục xuất khẩu tôn mạ mới với sản lượng 121 ngàn tấn trong 2 tháng đầu 2021, doanh thu xuất khẩu vượt mốc 100 triệu USD. Hoa Sen hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất và chiếm phân nửa sản lượng xuất khẩu tôn mạ toàn ngành, cùng với đó là 37.5% thị phần nội địa.
Đối với Thép Nam Kim (HOSE: NKG), sản lượng xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao với lượng đơn hàng đủ để vận hành các nhà máy ở công suất tối đa đến tháng 6/2021, nhà phân tích thuộc CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết trong một báo cáo ngắn. Xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ hiện chiếm khoảng 80-90% tổng sản lượng xuất khẩu của Nam Kim. Trong ngắn hạn, Công ty ưu tiên xuất khẩu và duy trì tỷ trọng tiêu thụ nội địa ở mức 30-40%. VDSC dự báo sản lượng bán hàng của NKG có thể đạt 400,000 tấn trong quý 1 này, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến thuận lợi của giá thép được kỳ vọng là động lực để các doanh nghiệp đạt lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm, một phần cũng nhờ cơ sở so sánh thấp của quý 1/2020 - giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.
Tại thị trường trong nước, giá thép các loại tăng trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Doanh nghiệp thương mại thép Thép Tiến Lên (HOSE: TLH), với thị trường chủ yếu tại nội địa, vừa báo cáo khoản lãi lớn (67 tỷ đồng) trong 2 tháng đầu 2021. Đà tăng giá thép bắt đầu từ cuối năm trước đã vực dậy thành tích kinh doanh ảm đạm kéo dài gần 2 năm (quý 4/2018-quý 3/2020) của hãng này.