Ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu 2020 đạt 17,04 tỷ USD, trong đó xuất khẩu giảm gần 7% so với cùng kỳ, khi chỉ đạt 10,7 tỷ USD. Ở chiều nhập khẩu, nguyên phụ liệu dệt may đạt gần 6,4 tỷ USD, giảm 9%, bông nguyên liệu giảm 8% khi chỉ đạt 893 triệu USD.
Nguyên nhân tụt dốc được Vitas nhận định do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hầu hết doanh nghiệp báo lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí lỗ, chỉ một số ít ngược hướng thị trường nhờ lợi thế về sản phẩm hoặc thị trường xuất khẩu.
Báo cáo tài chính mới nhất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT) cho thấy doanh nghiệp đạt doanh thu thuần hơn 3.964 tỷ đồng, giảm 12,4% so cùng kỳ 2019. Lợi nhuận trước và sau thuế đạt 162,1 tỷ đồng và 156,2 tỷ đồng, giảm 19,6%
Theo Vinatex, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu và Mỹ bước đầu đã vượt qua được giai đoạn căng thẳng nhất. Tuy nhiên, các nước này vẫn tiếp tục duy trì biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, các cửa hàng bán lẻ chưa được mở cửa, dẫn đến các đơn hàng tiếp tục bị hoãn, trong khi đơn hàng mới giảm mạnh, gần như không có.
Tương tự Vinatex, công ty Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (mã TCM) cho biết doanh thu tháng 4/2020 đạt 409 tỷ đồng, giảm 13,6% cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế đạt 7,6 tỷ đồng, giảm 59%. Lũy kế 4 tháng, TCM ước doanh thu 993 tỷ đồng, giảm 18% và lợi nhuận 40 tỷ đồng giảm 52%.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) có doanh thu quý I giảm 3,4% so với cùng kỳ, xuống 939,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 62 tỷ đồng, giảm 28,6%. Nguyên nhân đến từ biên lợi nhuận gộp giảm từ 20,6% xuống 17,2%.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bị hạn chế do tác động của dịch COVID-19 khiến công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đầu tư Đức Quân ( mã FTM) lỗ ròng 44,56 tỷ đồng.
Doanh thu sụt giảm trong khi chi phí vẫn ở mức cao khiến Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến (mã VGG) lần đầu báo lỗ 22 tỷ đồng. VGG cho hay, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình đại dịch covid 19 lan rộng khắp toàn cầu đã khiến các đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, nguồn cung nguyên liệu gián đoạn, nhiều doanh nghiệp không đủ nguyên liệu sản xuất và kịp giao hàng cho đối tác.
Đặc biệt, việc đóng của 3 thị trường lớn nhất Mỹ, EU, Nhật Bản... (chiếm khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may) cũng khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù của ngành sản xuất dệt may là sản xuất theo mùa
|
Nguyên nhân thúc đẩy cổ phiếu dệt may tăng mạnh
Xuất phát từ việc EVFTA khả năng sẽ có hiệu lực chính thức vào tháng 7/2020. Theo thông tin từ Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), Quốc hội dự kiến sẽ họp về việc phê chuẩn EVFTA vào ngày 20/5 - ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Nhóm cổ phiếu dệt may đồng loạt tăng điểm ngay phiên sáng 12/5/2020, tiếp đà tăng từ đầu tháng 4, thanh khoản tốt. Ghi nhận, mã TCM của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công tăng 6,4% lên gần 17.000 đồng/cp. May Sông Hồng (MSH) cũng tăng mạnh gần 6% lên 37.300 đồng/cp. Tăng đáng kể còn có TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG với lượng giao dịch đột biến hơn 2,9 triệu cổ phiếu. Các mã còn lại như GIL, M10… cũng xanh điểm.
Được biết, sự thăng hoa trên xuất phát từ công tác chuẩn bị cho việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sắp đến. Trước đó, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU. Theo đó, EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.
Về phía Việt Nam, để phục vụ cho việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ Công Thương đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước hoàn thiện Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội cũng như chuẩn bị các nội dung có liên quan để đưa vào bộ hồ sơ chính thức trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Bộ Công Thương đã lấy ý kiến các bộ, ngành để chuẩn bị hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA từ cuối năm 2019. Do vậy, ngay từ những ngày đầu năm 2020, Bộ Công Thương về cơ bản đã hoàn thiện Bộ hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA và trình lấy ý kiến Chính phủ. Bộ Công Thương cũng tích cực làm việc với Bộ Tư pháp để cập nhật Chính phủ kết quả rà soát pháp luật phục vụ cho việc thực thi Hiệp định EVFTA.
Song song, Bộ Công Thương đã chủ động theo sát tình hình phê chuẩn của EU và việc Anh rời EU, từ đó cập nhật kịp thời những thay đổi liên quan tới công tác phê chuẩn Hiệp định EVFTA của Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, Vinatex cho biết sẽ tập trung làm việc với các nhà cung cấp để chuyển sourcing cả nguyên liệu vào Việt Nam đáp ứng EVFTA như Uniqlo, H&M, Zara. Song song, doanh nghiệp sẽ làm các đơn hàng thử nghiệm, nhỏ, yêu cầu cao cũng như tiếp tục làm mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế dự báo có thể có nhu cầu cao hết quý 2.
Với Hiệp định EVFTA, Tập đoàn đề nghị các Bộ, Ngành chuẩn bị các hướng dẫn và thông tư nhanh nhất để khi Hiệp định được phê duyệt của quốc hội thì triển khai được ngay, doanh nghiệp mới thu được lợi ích vàng. Phía Tập đoàn đưa ra các kiến nghị bao gồm phương pháp hỗ trợ nên nhanh, cách tiếp cận qua ít các bước xét duyệt thủ công mà dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy đang có.