Chi gần 19.000 tỷ đồng cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, lũy kế chi ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2021 ước đạt 918,1 nghìn tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán.
Đặc biệt, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho phòng, chống dịch COVID-19.
Tính đến hết tháng 8, ngân sách nhà nước đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng; trong đó 17,2 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch và 1,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ảnh minh họa
Trong số đó, trung ương đã chi 10,7 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch ; chi 5,1 nghìn tỷ đồng mua vaccine phòng COVID-19 từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 chuyển sang; các địa phương đã chi 3 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 2,55 nghìn tỷ đồng để mua vaccine.
Như Doanh nhân Việt Nam thông tin trước đó bên cạnh đó, thực hiện quyết định của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 130.175,67 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 năm 2021.
Trong đó, hỗ trợ cho người dân tỉnh Đắk Lắk là 534,390 tấn gạo; tỉnh Đắk Nông 577,110 tấn gạo; tỉnh Đồng Tháp 5.883,465 tấn gạo; tỉnh Tây Ninh 336,255 tấn gạo; tỉnh Cà Mau 2.862,330 tấn gạo; tỉnh Vĩnh Long 2.103,195 tấn gạo; tỉnh Long An 807 tấn gạo; tỉnh Kiên Giang 2.278,170 tấn gạo; tỉnh Trà Vinh 1.738,950 tấn gạo; tỉnh Khánh Hòa 2.000,010 tấn gạo; tỉnh Bình Dương 11.325 tấn gạo; tỉnh Bến Tre 2.408,265 tấn gạo; tỉnh Bình Định 1.000,500 tấn gạo; tỉnh An Giang 3.362,280 tấn gạo; tỉnh Nghệ An 341,100 tấn gạo; tỉnh Tiền Giang 3.006,225 tấn gạo; tỉnh Đồng Nai 3.128,505 tấn gạo; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2.283,495 tấn gạo; tỉnh Phú Yên 1.852,665 tấn gạo; TP. Đà Nẵng 1.630,635 tấn gạo; TP. cần Thơ 5.015,490 tấn gạo; tỉnh Bình Thuận 4.018,485 tấn gạo; tỉnh Ninh Thuận 577,200 tấn gạo và TPHCM 71.104,950 tấn gạo.
Xuất hơn 130.000 tấn gạo cho 24 tỉnh, thành phố hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định và phù hợp với công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trường hợp sau khi thực hiện nếu vẫn còn khó khăn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên báo cáo các Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã ký Quyết định số 1409/QĐ-TTg xuất cấp không thu tiền từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) 4.117,8 tấn gạo từ nguồn DTQG cho các tỉnh: Bình Phước, Bạc Liêu và Sóc Trăng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Về thu ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, 8 tháng của năm 2021, thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 1.000 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới.
Theo Bộ Tài chính, thu nội địa ước đạt 820,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 12% so cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 đạt 57,9% dự toán, giảm 9,9%). Thu từ dầu thô ước đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, bằng 111% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 157,5 nghìn tỷ đồng, bằng 88,2% dự toán, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Ước tính 54/63 địa phương có thu nội địa đạt trên 67% dự toán; trong đó có 47 địa phương thu đạt trên 70% dự toán như Hà Nam, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Quảng Trị, Đồng Nai...; 51 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ...
Có 8 địa phương có tiến độ thu dự toán đạt thấp là Bắc Kạn 65,2%; Đồng Tháp 65,1%; Kiên Giang 63,3%; Sơn La 63,3%; Cần Thơ 62,4%; Đà Nẵng 61,2%; Tiền Giang 58,6% và Hoà Bình 57,8%.
Bộ Tài chính cho rằng trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, kết quả thu ngân sách 8 tháng là tích cực, nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì được mức tăng trưởng khả quan như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tình hình dịch COVID-19 còn đang diễn biến rất phức tạp, dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới./
Rà soát tiến độ triển khai 12 nhóm chính sách hỗ trợ
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 26/8, cả nước có gần 11,33 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 45.000 người lao động.
Bên cạnh đó, trên 77.200 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ tiền mặt; gần 37.000 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động được hỗ trợ; gần 1,2 triệu người lao động tự do trong cả nước đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng...
Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 trên cả nước trong thời gian qua về cơ bản là tương đối đồng bộ, khẩn trương, nhiều nơi đạt kết quả tốt.
Các cơ quan chức năng đang ráo riết triển khai Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bộ trưởng biểu dương TP. Hồ Chí Minh, một thành phố với dân số đông đúc, đối tượng đa dạng, tình hình giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nhưng đã chi trả hỗ trợ hơn 3.000 tỷ và triển khai 1,8 triệu gói an sinh xã hội, trong đó có trên 500 nghìn người lao động tự do đã được hỗ trợ. Các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng có nhiều cách làm sáng tạo: hỗ trợ nhà trọ, vận động người dân giảm tiền nhà trọ, giảm, hỗ trợ tiền điện, nước, tiền ăn, cung cấp các bữa cơm miễn phí, gói quà miễn phí, túi thuốc miễn phí… Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng có những đề xuất sáng tạo như: hỗ trợ các gia đình chính sách, người nghèo, cơ sở bảo trợ xã hội…
Theo Bộ trưởng, tất cả những điều này đã tạo ra sự đồng thuận của nhân dân, để người dân không thiếu ăn, thiếu mặc, yên tâm ở nhà giãn cách, đảm bảo phương châm “ai ở đâu ở yên đó”. Đây chính là thành quả to lớn nhất mà Nhà nước mong muốn đạt được, qua đó, giữ vững niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó bao gồm các nguyên nhân khách quan như: tình hình dịch bệnh dẫn đến phải giãn cách xã hội, khó khăn về nguồn lực, có những chính sách có thể triển khai ngay nhưng cũng có chính sách có thể phải kéo dài. Cùng với đó là những nguyên nhân chủ quan: nhiều đơn vị, địa phương chưa thực sự chủ động khiến cho nhiều chính sách bây giờ rất rõ ràng, rất cụ thể, rất thông thoáng những vẫn chậm đi vào cuộc sống.
Bộ trưởng đặt câu hỏi: "Tại sao có nhiều chính sách rất rõ ràng, thủ tục, điều kiện thông thoáng nhưng vẫn chậm vào cuộc sống?" Đồng thời đề nghị, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, lãnh đạo Bộ, Cục, Vụ cần thấy rõ trách nhiệm của mình hơn để làm việc. "Rõ ràng chúng ta thấy rằng tình hình lao động, đời sống người dân đang rất khó khăn, đang rất cần chung tay và càng nhanh càng tốt. Chậm ngày nào chúng ra có lỗi với dân ngày đó" - Bộ trưởng nhắc.
Bộ trưởng lưu ý, đồng thời với việc chống dịch, cần triển khai toàn diện các công việc khác nữa. Bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh, nhiệm vụ chăm sóc người có công, người yếu thế, các cơ sở bảo trợ xã hội, các cơ sở cai nghiện, hỗ trợ người lang thang cơ nhỡ vẫn cần phải triển khai. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Sở LĐ-TB&XH của 27 tỉnh, thành đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp xuất gạo tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, rà soát kỹ danh sách hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, tuân thủ theo quy định của pháp luật, trên cơ sở đó báo cáo ngay về Bộ để thẩm định gửi Bộ Tài chính cấp xuất gạo, đảm bảo không ai thiếu đói nhưng cũng không để sai đối tượng.
Về công tác triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Bộ trưởng đề nghị tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ liên quan đến người lao động, lao động tự do và người yếu thế. Bên cạnh những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay như giãn cách xã hội, xét nghiệm diện rộng thì các địa phương cần xác định an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên. Bộ trưởng đề nghị tất cả các địa phương rà soát lại ngay toàn bộ tiến độ triển khai 12 chính sách theo Nghị quyết 68 để đánh giá những điểm được, chưa được của mỗi chính sách, tìm ra nguyên nhân và từ đó vận dụng để triển khai.
Bộ trưởng nhấn mạnh đến ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, nhất quyết không để xảy ra tình trạng “nóng trên lạnh dưới”. Mỗi cán bộ không những cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, mà còn cần làm việc có lương tâm, tình cảm thực sự đối với người dân.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Bộ trưởng ghi nhận và khẳng định lãnh đạo Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị quyết 68 và Quyết định 23 để gửi xin ý kiến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để trình Chính phủ lấy ý kiến ban hành.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ sẽ lập các đoàn kiểm tra đi kiểm tra giám sát, tháo gỡ khó khăn cùng địa phương do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương học hỏi cách làm của Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh vừa qua khi chủ động đến với doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Đối với các địa phương trong thời gian giãn cách cần lưu ý: Vùng đỏ và cam tập trung hỗ trợ cái ăn, mặc. Vùng xanh tập trung giải quyết ngay cách chính sách hỗ trợ. Tất cả các địa phương dịch bệnh đang ổn giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ tiền mặt.