Sự góp mặt của VIB tại Chứng khoán Globalmind Capital
Chứng khoán Globalmind Capital có tiền thân là Chứng khoán Hoàng Gia, thành lập từ năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty đổi tên thành Chứng khoán Globalmind Capital. Từ khi thành lập, công ty thường xuyên kinh doanh thua lỗ và sức ảnh hưởng trên thị trường rất mờ nhạt.
Cuối năm 2021, công ty ghi nhận những chuyển động đáng kể trong cơ cấu cổ đông khi ông Huỳnh Đăng Khoa và Lê Minh Quang đã bán ra tổng cộng 14,73 triệu cổ phần, tương đương 95,04% vốn điều lệ; ngược lại Uniben đã mua vào 3,48 triệu cổ phần, tương đương 22,5% vốn điều lệ. Như vậy, Uniben đã chính thức trở thành cổ đông lớn của Globalmind Capital.
CTCP Uniben tiền thân là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng, thành lập năm 1992 và nổi danh với thương hiệu Mì 3 Miền. Đến tháng 9/2014, công ty chính thức đổi tên thành Uniben như hiện tại.
Uniben và Ngân hàng VIB vốn được biết đến có mối quan hệ thân thiết với nhau khi công ty con của Uniben là CTCP Đầu tư và Thương mại Hệ thống quốc tế (Nettra) là cựu cổ đông lớn, từng nắm giữ 14,99% vốn của VIB. Ông Đặng Khắc Dũng - anh trai Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ từng nắm 64,5% cổ phần của Nettra. Trước đó, trong năm 2020, Uniben dùng 17 triệu cổ phiếu VIB để đảm bảo cho khoản nợ giá trị 500 tỷ đồng huy động bằng trái phiếu.
Chi tiết đáng chú ý khác, danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến gồm 20 cá nhân và tổ chức được chốt vào ngày 29/12/2021 của Globalmind Capital có Chủ Tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ với số cổ phần sở hữu là 753.300 cổ phần, bà Trần Thị Thảo Hiền (vợ ông Vỹ) sở hữu 756.400 cổ phần, ông Đặng Văn Sơn (Phó Chủ tịch HĐQT VIB) sở hữu 759.500 cổ phần.
Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường 2022 của Globalmind đãthông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT với ông Lê Minh Quang, bà Trần Quế Trang, ông Nguyễn Tấn Phát; miễn nhiệm chức vụ thành viên với ông Nguyễn Quốc Huân, ông Nguyễn Xuân Khôi và Đặng Thị Mai Lan. Thông qua bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT là ông Lê Quang Trung, ông Hà Hoàng Dũng, ông Trần Tuấn Minh; thông qua bầu bổ sung 3 thành viên Ban kiểm sát là ông Trần Xuân Cảnh, ông Nguyễn Thanh Hải, bà Mai Hiền Vân. Trong đó, ông Lê Quang Trung được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật công ty.
Các cá nhân được bầu vào HĐQT và Ban kiểm soát của Globalmind Capital lúc đó đều đang nắm giữ chức vụ ở VIB. Ông Lê Quang Trung lúc đó đang là Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối VIB (thôi chức vụ tại VIB từ 3/2022); Ông Hà Hoàng Dũng nắm giữ vị trí Giám đốc Khối Quản trị rủi ro; Ông Trần Tuấn Minh giữ vị trí Giám đốc Ban Nhân sự VIB…
Tăng vốn, chuyển mình
Tháng 7/2022, Chứng khoán Globalmind Capital đã đã thực hiện chào bán 134,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dự kiến huy động 1.345 tỷ đồng. Kết quả, có 84,5 triệu cổ phiếu được phân phối, tương ứng 62,83% tổng số cổ phiếu chào bán. Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là 845 tỷ đồng.
Sau đợt chào bán, công ty nâng vốn từ 155 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông lớn của Globalmind Capital là Công ty Uniben (Uniben) tiếp tục mua vào hơn 19 triệu cổ phiếu, tương đương 190 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ nắm giữ 22,5%.
Đợt phát hành cũng ghi nhận sự xuất hiện của cổ đông mới là nhà đầu tư ngoại Gentle Sun Investments Limited với tỷ lệ nắm giữ tại ngày 31/12/2022 là 16,5 triệu cổ phần, tương ứng 16,5%.
Tháng 8/2022, công ty hoàn tất việc đổi tên từ Globalmind Capital sang CTCP Chứng khoán Kafi, thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu và phương hướng hoạt động.
Ngoài ra, công ty cũng đã chuyển trụ sở sang Tòa nhà Sailing Tower (Quận 1, TPHCM), trụ sở của VIB cũng được đặt ở tòa nhà này.
Tháng 7/2023, công ty tiếp tục tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng, cổ đông ngoại Gentle Sun Investments Limited nắm giữ 24,75 triệu cổ phần, tương ứng 16,5% vốn. Chi tiết khác chưa được công bố.
Trước khi có sự góp mặt của cổ đông lớn Uniben, bức tranh tài chính tại Chứng khoán Kafi rất ảm đạm khi Công ty có số năm kinh doanh lỗ nhiều hơn lãi. Quý III/2021, công ty vẫn đang lỗ luỹ kế 27,6 tỷ đồng, tuy nhiên, mức lãi kỷ lục quý IV/2021 (lãi sau thuế gần 30 tỷ đồng) đã giúp công ty hết lỗ luỹ kế.
Năm 2022 là năm đầu tiên công ty chứng khoán này bước vào giai đoạn tái cơ cấu khi công ty mang gần như toàn bộ vốn đi mua trái phiếu và gửi ngân hàng, hầu như không có hoạt động nghiệp vụ chứng khoán. Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Công ty là 1.961 tỷ đồng, tăng gấp 11 lần so với đầu năm.
Trong đó, các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) chiếm đa số với 1.576 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng 80%. Danh mục FTVPL của Kafi bao gồm các trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi của các tổ chức tín dụng phát hành. Trong đó, nhiều nhất là 453 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng VIB, 109 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng MB, 102 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng BIDV…công ty cũng ghi nhận 242 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi tại VIB; 200 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi tại BIDV; 200 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi tại MB; 190,8 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi tại Công ty tài chính Home Credit… Dư nợ cho vay ký quỹ của công ty đạt 209 tỷ đồng, tập trung vào cho vay các cổ phiếu trong nhóm chỉ số VN30.
Với cơ cấu tài sản tăng mạnh, nợ phải trả của công ty cũng tăng 126 lần, lên 945 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ ngắn hạn. Trong đó, có 934 tỷ đồng vay nợ tài chính với 306,5 tỷ đồng vay Ngân hàng VIB; 513 tỷ đồng vay BIDV; 114,4 tỷ đồng vay bên thứ ba.
Thu nhập thuần của công ty đã tăng từ 33 tỷ đồng vào năm 2021 lên 62 tỷ đồng vào năm 2022, tương ứng tăng trưởng 87%.
Bước sang năm 2023, sau khi tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng, quý III/2023, Chứng khoán Kafi ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 128,6 tỷ đồng, tăng 4,6 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ các tài sản tài sản chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là 94,2 tỷ đồng, tăng 3,6 lần. Doanh thu từ nghiệp vụ môi giới cũng cải thiện với12,4 tỷ đồng, cao hơn gấp hơn 20 lần cùng kỳ năm trước. Lãi từ cho vay và phải thu đạt 21,3 tỷ đồng, tăng hơn 35 lần. Sau khi trừ các khoản chi phí, chứng khoán Kafi báo lãi sau thuế 37 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng năm 2023, công ty lãi sau thuế 68 tỷ đồng, cao gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm 2022.
Tổng cộng tài sản của Kafi tính tới cuối quý III là 5.033 tỷ đồng tăng gần 2,6 lần so với con số đầu năm. Trong đó, các khoản cho vay gồm cho vay margin 914,3 tỷ đồng tăng mạnh so với con số đầu năm là 209 tỷ đồng; các tài sản tài sản chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng hơn 2,3 lần, lên mức 3.760,3 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9/2023, Kafi đang đầu tư vào trái phiếu với tổng giá trị 924 tỷ đồng trong đó 922 tỷ đồng là trái phiếu chưa niêm yết và hơn 2 tỷ đồng trái phiếu niêm yết. Ngoài ra, Kafi cũng đang đầu tư 2.656,3 tỷ đồng vào chứng chỉ tiền gửi.