Những rủi ro hàng đầu đối với phục hồi kinh tế toàn cầu đang chuyển từ phá sản do đại dịch sang những sai lầm tiềm ẩn mà các nhà hoạch định chính sách có thể mắc phải trong việc quản lý lạm phát đang trên đà tăng và tác động của nó đối với thị trường tài chính của các nền kinh tế mới nổi, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Câu hỏi trong đầu các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách là liệu lạm phát, tăng lương và sự phân hóa lớn hơn trên toàn cầu có phải là "sự đảo ngược xu hướng thực sự hay sẽ tiêu tan khi đại dịch lắng xuống", WEF có trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết trong một báo cáo.
Nền kinh tế thế giới đã phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch năm ngoái – cuộc khủng hoảng đã đẩy kinh tế toàn cầu vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.
Sự gián đoạn kinh tế nghiêm trọng làm dấy lên lo ngại về sự sụp đổ của thị trường tài chính, vỡ nợ và phá sản doanh nghiệp, khiến các chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn cầu phải rót 25 nghìn tỷ USD hỗ trợ tài chính và tiền tệ.
Sự phục hồi, mặc dù không đồng đều giữa các thị trường phát triển và đang phát triển, cũng gây ra lạm phát trong bối cảnh giá hàng hóa tăng và tắc nghẽn nguồn cung.
Lạm phát của Mỹ đã tăng lên 6,2% trong tháng 10, mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ. Mức này là cao hơn đáng kể so với mức 0% mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang sử dụng làm lãi suất chuẩn.
|
Tuy nhiên, mặc dù giá cả tăng vọt trên nhiều thị trường chính, kỳ vọng lạm phát ở các nền kinh tế tiên tiến vẫn ổn định ở mức khoảng 2% “do danh tiếng mà các ngân hàng trung ương độc lập đã xây dựng trong việc tuân thủ nhiệm vụ ổn định giá cả của họ”, WEF cho biết trong báo cáo “Triển vọng các nhà kinh tế trưởng” bản tháng 11 (Chief Economists Outlook, November edition). Báo cáo đã khảo sát các nhà kinh tế từ các tổ chức cả trong khu vực công và tư nhân.
"Trong khi kỳ vọng lạm phát cho đến nay vẫn tốt trong phạm vi lịch sử của chúng, thì những diễn biến của thị trường lao động, đặc biệt là ở Mỹ, đã gây bất ngờ bởi mức tăng lương mạnh trong bối cảnh thiếu nguồn cung lao động (tức là tỉ lệ lao động tham gia thị trường thấp)", Christian Keller, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty cho vay Barclays của Anh, cho biết trong báo cáo.
“Sẽ cần thêm thời gian để biết liệu đây có phải là những sai lệch tạm thời do Covid-19 gây ra hay là phản ánh cho những thay đổi hành vi lâu dài”.
Các ngân hàng trung ương hiện đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc thay đổi lập trường tiền tệ và tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, hành động chính sách như vậy có nguy cơ cao trong việc “kích hoạt dòng vốn chảy ra, đặc biệt là ở các thị trường nơi các nền tảng kinh tế vĩ mô không vững chắc”, WEF cho biết.
Các nền kinh tế mới nổi, một số trong đó đang ở giai đoạn đầu phục hồi sau đại dịch và vẫn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 gia tăng, cũng đang đối mặt với áp lực gia tăng trong việc đầu tư vào việc giảm thiểu rủi ro khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của họ.
"Có khả năng áp lực giá cao hơn trong thời gian dài hơn", Eirik Waerness, nhà kinh tế trưởng tại công ty năng lượng Equinor của Na Uy, cho biết.
“Công bằng mà nói, tình hình hiện tại trên thị trường điện và khí đốt ở châu Âu và châu Á là một minh họa sống động cho bộ ba bất khả thi (Trilemma) về năng lượng, bao gồm khả năng chi trả, khả năng khử cacbon và an ninh nguồn cung”, Waerness nhận định.
Về mặt cân bằng, các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của WEF kỳ vọng mức lạm phát hiện tại sẽ là một hiện tượng ngắn hạn trong vòng 1-2 năm tới, mặc dù giá năng lượng và nhà ở có thể tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian dài hơn.
Mặt khác, đại dịch, kết hợp với những diễn biến dài hạn hơn như quá trình chuyển đổi xanh, đang tăng cường quyền thương lượng cho một số người lao động và xu hướng tăng về lương.
“Sự tăng trưởng tiền lương này được coi là một hiện tượng đáng hoan nghênh trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng có thể suy yếu trong dài hạn khi tự động hóa và cạnh tranh toàn cầu về việc làm tại địa phương tăng nhanh trở lại”, WEF cho biế