Thương hiệu là gì? Phân biệt thương hiệu và nhãn hiệu

Linh Nhi 15:35 08/10/2019

Phân biệt thương hiệu và nhãn hiệu. Nhãn hiệu thì có thể gắn với nội dung, chất lượng, có thể không. Còn thương hiệu gắn với những sản phẩm nổi tiếng, chiếm được sự ưa chuộng của khách hàng.

Nhãn hiệu và thương hiệu là gì?

Nhãn hiệu: là những dấu hiệu dùng phân biệt hàng hóa, dịch vụ (nhãn hiệu hàng hóa) cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Nhãn hiệu được coi là một loại tài sản vô hình của người hoặc công ty thực hiện hoặc sản xuất và là một trong các đối tượng sở hữu được pháp luật bảo hộ.

Nhãn hiệu được tạo ra chỉ trong thời gian đôi khi là rất ngắn, trong khi để tạo dựng được một thương hiệu (tạo dựng hình ảnh về hàng hóa, dịch vụ trong tâm trí người tiêu dùng) đôi khi là cả cuộc đời của doanh nhân.

Thương hiệu: hiểu một cách đơn giản, là một cái tên gắn với một sản phẩm hoặc một nhà sản xuất. Thương hiệu thường gắn liền với quyền sở hữu của nhà sản xuất và thường được uỷ quyền cho người đại diện thương mại chính thức.

Sự khác nhau giữa thương hiệu và nhãn hiệu

Nếu chỉ xét đơn thuần về khía cạnh vật chất, nghĩa là nhìn nhận dựa vào tên gọi, logo thì nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu rất khó phân biệt, nếu không muốn nói là một. Tất nhiên, ở đây cũng có thể tìm ra sự khác biệt, đó là khi nói đến thương hiệu người ta thường nói đến cả khẩu hiệu, nhạc hiệu mà điều này gần như không được đề cập trong nhãn hiệu hàng hóa. Ví dụ, chúng ta có thể chỉ nghe nói đến “Nâng niu bàn chân Việt” là đã nghĩ ngay đến Biti’s.

Phân biệt thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa trên một số khía cạnh cụ thể như sau:

Sự khác biệt đầu tiên là trên phương diện pháp lý, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa có định nghĩa về thương hiệu mà chỉ đưa ra định nghĩa về nhãn hiệu, do đó chỉ có nhãn hiệu mới là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Một doanh nghiệp cạnh tranh chỉ có thể “nhái” được nhãn hiệu. Vì chí có nhãn hiệu là đối tượng của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam nên nhãn hiệu được các cơ quan quản lý Nhà nước công nhận và bảo hộ còn thương hiệu là kết quả phấn đấu lâu dài của doanh nghiệp và người tiêu dùng chính là người công nhận.

Nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan quản lý Nhà nước công nhận và bảo hộ còn thương hiệu là kết quả phấn đấu lâu dài của doanh nghiệp và người tiêu dùng chính là người công nhận.

Thứ hai: Nói đến thương hiệu là nói đến hình tượng về hàng hóa trong tâm trí người tiêu dùng. Ví dụ như khi nói tới điện thoại Nokia, người dùng sẽ hình dung ra một sản phẩm bền, điện thoại Iphone thì “sang chảnh”,… Còn nhãn hiệu lại có thể là từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng…giúp khách hàng nhận diện bên ngoài của hàng hóa.

Thứ ba: Thương hiệu tồn tại lâu hơn nhãn hiệu. Có những thương hiệu nổi tiếng mãi theo thời gian nhưng nhãn hiệu thì thay đổi theo những yếu tố tác động bên ngoài nhất định như thị hiếu người tiêu dùng...

Tóm lại, nói một cách dễ hiểu, nhãn hiệu (phần xác) là một sự thể hiện của thương hiệu (phần hồn). Doanh nghiệp chỉ có một thương hiệu nhưng có thể có nhiều nhãn hiệu (ví dụ như thương hiệu Honda có những nhãn hiệu Dream, Air Blade, Vision…).

Nguồn: baohothuonghieu.comd/anluat.thuvienphapluat.vn

Bạn đang đọc bài viết Thương hiệu là gì? Phân biệt thương hiệu và nhãn hiệu tại chuyên mục Thương hiệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Thương hiệu
Tin tức mới nhất