Hiện nay vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại đang vô cùng nhức nhối trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực sắt thép xây dựng.
Nhiều hình thức và thủ đoạn rất tinh vi, phổ biến như: Mạo danh các sản phẩm sắt thép uy tín trên thị trường như thép Pomina, thép Việt Nhật, thép Miền Nam…; cung cấp sản phẩm sắt thép không đủ độ dày như tẩy xóa độ dày thực tế của sản phẩm và in lại để “nâng cao” độ dày; nhập khẩu các sản phẩm sắt thép không có nhãn mác từ Trung Quốc để tùy biến in độ dày cao hơn thực tế hay in mác của các sản phẩm sắt thép nổi tiếng; đồng thời in thông số mập mờ về tiêu chuẩn chất lượng gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
|
Bức xúc nạn thép nhái hoành hành: Cần chế tài đủ sức răn đe |
Ví dụ tiêu biểu mới đây nhất, Tập đoàn Hòa Phát cho biết, các cơ quan chức năng tại Bình Dương đã kiểm tra và phát hiện gần 6 tấn thép xây dựng nghi vấn giả mạo nhãn hiệu của tập đoàn. Số hàng trên tại kho hàng Công ty trách nhiệm hữu hanh Thương mại và Dịch vụ Tương Lai Việt, địa chỉ số 48, Quốc Lộ 1K, khu phố Đông A, phường Đông Hòa, thành phố Dĩ An (Bình Dương).
Theo đại diện Tổng Cục Quản lý thị trường-Bộ Công Thương, các mặt hàng khi bị phát hiện xử lý, sẽ có 2 cách để xác minh: một là sự xác nhận của đúng chủ thể quyền sở hữu thương hiệu, hoặc cách thứ 2 là đi kiểm nhiệm kiểm định.
Sau khi xác minh xong sẽ được áp theo luật để xử lý. Trong trường hợp như trên, đã có chủ thể của Tập đoàn Hòa Phát đến xác nhận là hàng giả, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho hay.
Qua xác minh của đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ống thép Hòa Phát Bình Dương, toàn bộ số hàng hóa nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của Hòa Phát, có giá trị khoảng 150 triệu đồng.
Ngoài ra, tại hiện trường còn có hơn 12 tấn thép xây dựng các loại mang các nhãn hiệu khác. Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Tương Lai Việt không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc được quản lý thị trường các địa phương phát hiện và xử lý. Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp, người dân mua phải hàng hóa kém chất lượng.
Có thể nói, thép giả không dễ phân biệt với thép thật nhưng về chất lượng, khi đưa vào sử dụng thép giả dẫn đến hậu quả khó lường. Đây là những loại sắt thép gia công dùng phôi đúc sẵn, nguyên liệu từ sắt thép phế liệu mà ra, khả năng chịu lực kém gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình. Nhiều chủ cửa hàng lợi dụng sự dễ tính và thiếu hiểu biết của khách hàng đã trà trộn hàng giả với hàng thật.
Do vậy, để ngăn chặn, phòng ngừa, giảm bớt nạn hàng giả, Hiệp hội Thép Việt Nam VSA cho rằng, cơ quan quản lý cần có các cơ chế xử phạt đủ mạnh để có tính răn đe, ngăn chặn các hành vi là hàng giả, hàng nhái.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, cho hay cần thiết phải nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các địa phương, cùng các lực lượng quản lý dưới quyền tại địa phương như công an kinh tế, quản lý thị trường,... Bởi mọi hiện tượng sự việc vi phạm đều bắt nguồn từ cơ sở và cơ sở đều nắm được, điều quan trọng là có quyết tâm làm đến nơi đến chốn hay không.
Ông Hùng cũng cho rằng đặc biệt, cần nâng cao vai trò trách nhiệm và đạo đức công vụ của các lực lượng quản lý nhà nước trên địa bàn trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa, đảm bảo lực lượng phải trong sạch vững mạnh, đảm bảo thu nhập tương đối đủ sống để họ không bỏ qua những vi phạm đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trên thị trường tại các địa phương sở tại.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo