Công ty TNHH Thương mại giao nhận vận tải HNT chủ yếu làm về mảng ủy thác xuất khẩu cho các đơn hàng xuất khẩu đi Trung Quốc. Hiện quá trình vận chuyển qua đường bộ bị chậm nên nhiều DN đã dồn về đi đường biển, nhờ vậy đơn hàng của công ty tăng lên rất nhiều. Bà Nguyễn Thị Thảo Ngân - Giám đốc Công ty HNT - cho biết, so với cùng kỳ năm trước, số đơn hàng vận chuyển tăng lên 200 - 300 container/tháng, thậm chí có tháng tăng lên cả nghìn container.
Thế mạnh chủ yếu làm dịch vụ logistics các mặt hàng nông sản, trái cây, bà Nguyễn Thị Thảo Ngân cho hay, đây đều là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nên sức mua vẫn duy trì khá, do các công ty nông sản vẫn có đơn hàng để xuất khẩu nên dịch vụ giao nhận, vận chuyển mặt hàng này cũng ổn định hơn so với các ngành hàng như máy móc, thiết bị...
|
Ngành logistics trước sức ép của dịch Covid- 19. |
Tuy nhiên, số DN như HNT không nhiều. Đa phần các DN làm trong lĩnh vực logistics cho hay, do nhiều nhà máy phải tạm ngưng hoạt động nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển ít đi, dẫn đến việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng cũng giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ kho bãi, kho ngoại quan, vận tải, dịch vụ hải quan. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng bị giảm nguồn thu đáng kể từ dịch vụ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ các nước có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...
Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho hay, khảo sát mới đây về những khó khăn, thiệt hại mà DN đang gặp phải do tác động dịch Covid- 19 cho thấy, doanh thu trung bình giảm từ 10% - 30% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có khoảng 15% DN bị giảm 50% doanh thu so với năm 2019 và hơn 50% DN giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các hoạt động logistics như vận tải giảm do dịch vụ thông quan bị cản trở, dịch vụ kho bãi, cước cũng bị ảnh hưởng nặng. Một số vấn đề phát sinh khác như một số khách hàng Trung Quốc gặp khó khăn về tài chính dẫn đến mất khả năng trả nợ cho chủ hàng, nhà cung cấp Việt Nam kéo theo việc chủ hàng chậm thanh toán cho DN logistics.
Đối với vận tải tàu biển, các tuyến chủ yếu là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các hãng tàu như ONE, HMM và một số hãng tàu khác đều giảm tàu nối tất cả các tuyến, ảnh hưởng đến lịch xuất hàng và chất lượng dịch vụ. Hầu hết hàng nhập trên các tuyến về Việt Nam giảm mạnh, một số thị trường khác bị kiểm dịch gắt gao. Các thủ tục vận hành từ thị trường khu vực châu Á và một số khu vực khác chậm trễ hơn so với bình thường.
Đối với đường hàng không, theo khảo sát của VLA, các hãng hàng không hiện nay đều hủy các tuyến bay tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, CZ-DLC cắt giảm tuyến, SNG-HKG, hạn chế tối đa các chuyến bay từ vùng dịch. Ngoài ra, giá cước vận chuyển hàng hóa tăng cao hơn so với bình thường. Trong khi đó, các tuyến biên giới đều khó để kiếm được nhà cung cấp vận chuyển. Lượng hàng giảm dẫn đến nhu cầu về vận tải đường bộ giảm khoảng 30%.
Trước những diễn biến phức tạp như hiện nay, nhằm hỗ trợ DN ngành logistics, VLA đề nghị Chính phủ giảm 50% thuế thu nhập DN cho năm 2020. Khoản thuế giảm này xem như một phần để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn kinh doanh năm 2020. Giãn hoãn và giảm các khoản đóng góp Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế từ các DN bị ảnh hưởng.
Đối với các DN kho lạnh, kho mát hàng xuất nhập khẩu cần được ưu đãi về giá điện bởi hiện nay giá khu vực dịch vụ này vẫn cao hơn giá điện sản xuất từ 25% - 30%.
Nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, VLA kiến nghị Chính phủ có cơ chế, tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho thủ tục xuất nhập khẩu phù hợp với điều kiện thực tế cho từng thời kỳ ngắn hạn và dài hạn, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Hỗ trợ các nhà máy đẩy nhanh được thông quan hàng hóa nhằm tiết kiệm chi phí cho DN và xã hội. Tăng tiến độ và thời gian cấp giấy phép chuyên ngành, giảm bớt thời gian thông quan và kiểm hóa tại cảng để giải phóng hàng tránh phí lưu kho bãi. Rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay…
Tạo điều kiện cho DN trong vấn đề cấp C/O để DN đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang thị trường EU và Ấn độ theo Hiệp định EVFTA. Vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt, Việt Nam hiện nay kết nối với Trung Quốc rất lớn, do đó đề xuất Chính phủ chỉ đạo, tập trung tăng cường khai thác nội địa, đồng thời mở rộng kết nối với các nước còn lại trong khu vực ASEAN qua Thái Lan để giúp vận tải đường bộ có thể bù đắp phần thiếu hụt từ việc hạn chế vận chuyển hàng hóa qua Trung Quốc trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Theo Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương Điện Tử