Chứng khoán lao dốc, tài sản các tỷ phú Việt “bốc hơi” bao nhiêu?

nguoiduatin 10:57 05/10/2022

Thị trường chứng khoán liên tục đỏ lửa, tổng tài sản của 7 tỷ phú USD Việt Nam đã "bốc hơi" 5,4 tỷ USD, tương đương mức thiệt hại gần 25,5% sau hơn nửa năm.

Trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 3/10), toàn thị trường có đến gần 800 cổ phiếu giảm giá, trong đó, gần 200 mã giảm sàn, chỉ có 176 mã tăng giá. Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát do tỷ phú USD Trần Đình Long làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng thuộc 1 trong 200 mã nằm sàn.

Theo đó, cổ phiếu HPG hôm qua giảm sàn 6,8%, xuống còn 19.750 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp mã cổ phiếu này giảm và là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020, cổ phiếu HPG xuống dưới vùng giá 20.000 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến thị giá cổ phiếu HPG. (Nguồn: TradingView).

Theo tìm hiểu, ông Long sở hữu hơn 1,6 triệu cổ phiếu, tương đương với 26,08% vốn điều lệ của Hoà Phát. Việc cổ phiếu giảm mạnh khiến khối tài sản quy từ cổ phiếu HPG của vị tỷ phú này mất khoảng 110 triệu USD (tương đương khoảng 2.600 tỷ đồng) chỉ trong ngày hôm qua.

Ngoài ra, theo tính toán của Forbes, cổ phiếu HPG đã giảm khoảng 54% trong 9 tháng đầu năm, khiến tài sản của ông Long bốc hơi 1,6 tỷ USD. Vào đầu năm, tài sản ròng của ông là 3,2 tỷ USD.

Đáng chú ý, mã VIC của Vingroup là sắc xanh hiếm hoi trong phiên chứng khoán đầy biến động ngày hôm qua, tăng nhẹ 0,9% ở mức giá 55.000 đồng/cổ phiếu, giúp tài sản của người giàu nhất Việt Nam - tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 1.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Forbes, từ đầu năm nay, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã chứng kiến mức sụt giảm giá trị tài sản ròng lớn nhất, khoảng 2 tỷ USD, về mức 4,2 tỷ USD. So với mức tài sản đạt đỉnh vào năm 2021 là 7,3 tỷ USD, khối tài sản của ông Vượng đã giảm 42,5%.

Hiện tại, ông Vượng đang nắm giữ hơn 985 triệu cổ phiếu VIC, tính theo mức giá cổ phiếu trên sàn, tài sản của ông Vượng còn dưới 160.000 tỷ đồng. Thứ hạng của ông Vượng trên bảng xếp hạng các tỷ phú trên thế giới của Forbes cũng giảm đến 220 bậc, từ 411 xuống 631.

Diễn biến tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Nguồn: Forbes.

Trong một diễn biến khác, tài sản của chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn lại chứng kiến mức tăng 0,1 tỷ USD lên 3 tỷ USD. Giá cổ phiếu Novaland Group (HoSE: NVL) cũng tăng nhẹ từ 77.200 đồng/cổ phiếu lên 82.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 6%.

Từ đầu năm đến nay, tài sản các tỷ phú USD khác của Việt Nam cũng ghi nhận mức giảm, tuy nhiên ít hơn. Cụ thể, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet Air) giảm 0,7 tỷ USD xuống còn 2,4 tỷ USD, tài sản của ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) giảm 0,6 tỷ USD còn 1,7 tỷ USD.

Tiếp theo đó, tài sản của ông ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan) giảm 0,5 tỷ USD còn 1,4 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco) và gia đình giảm 0,1 tỷ USD, tương đương 6,25%.

Trước đó, vào đầu tháng 4, tạp chí Forbes đã công bố danh sách tỷ phú thế giới trong năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất hiện 7 đại diện trong số 2.668 tỷ phú giàu nhất thế giới, bao gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Tính đến thời điểm Forbes chốt số liệu, ngày 11/3, tài sản dựa trên giá cổ phiếu và tỉ giá hối đoái của 7 tỷ phú Việt Nam vào khoảng 21,2 tỷ USD.

Read more...

Như vậy, sau hơn nửa năm, tổng tài sản của 7 tỷ phú USD Việt Nam đã "bốc hơi" 5,4 tỷ USD, tương đương mức thiệt hại gần 25,5% trước tình trạng thị trường chứng khoán trong nước liên tục giảm sút.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/chung-khoan-lao-doc-tai-san-cac-ty-phu-viet-boc-hoi-bao-nhieu-a572971.html

Bạn đang đọc bài viết Chứng khoán lao dốc, tài sản các tỷ phú Việt “bốc hơi” bao nhiêu? tại chuyên mục Khởi nghiệp - Làm giàu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Khởi nghiệp - Làm giàu
Tin tức mới nhất