|
Bí thư Vương Đình Huệ tại buổi đối thoại. Ảnh: Zingnews |
Chiều ngày 16/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp” để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch bệnh Covid-19, phục hồi kinh tế Thủ đô.
Tham dự cuộc đối thoại với lãnh đạo Hà Nội có lãnh đạo nhiều doanh nghiệp như BRG, Geleximco, FLC, TH, Vietnam Airlines, Vingroup, Hòa Phát.... Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng tham dự sự kiện này.
Nhiều doanh nghiệp đưa các kiến nghị, đề xuất một loạt vấn đề tới lãnh đạo thành phố để duy trì kinh tế.
Đại diện Vingroup cho biết gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh xảy ra, điển hình như ngành ôtô, xe máy khó khăn về cung ứng linh kiện. Vingroup lỗ 10.000 tỷ đồng đối với ngành này. Mảng thiết bị điện thoại cũng ảnh hưởng tương tự.
Ngoài ô tô, xe máy, điện tử, các lĩnh vực du lịch, vui chơi giải trí, bất động sản, trung tâm thương mại,..của tập đoàn cũng gặp khó khăn và chịu thiệt hại không nhỏ.
Vì vậy, đại diện Vingroup đề xuất các cơ sở lưu trú, ăn uống, du lịch được miễn tiền thuê đất năm 2020; giãn thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ việc mua ôtô.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch FLC, mong muốn thành phố đẩy nhanh việc cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch BRG đề xuất nhanh chóng cho mở cửa khách sạn, sân golf với các quy định ràng buộc chống dịch. Theo đó, có thể cho phép chơi golf theo nhóm không quá 8 người, giãn cách tối thiểu 2 m. Điều đó sẽ giúp các sân golf đảm bảo duy trì vận hành, tránh một lượng lớn lao động phải nghỉ việc.
Chủ tịch BRG đề xuất xem xét hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50-100% thuế GTGT năm 2020; miễn giảm thuế đất 50%; miễn thuế thu nhập cá nhân trong năm 2020.
Tham dự cuộc đối thoại với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Nội “mỏng manh và dễ vỡ” nên đang gặp khó khó khăn ở đầu vào và đầu ra của thị trường.
Ông Hiển kiến nghị Hà Nội sớm đề xuất Chính phủ đẩy nhanh việc triển khai xây dựng mới sân vận động Hàng Đẫy và Trung tâm quần vợt quốc tế theo tiêu chuẩn ATP tại Mỹ Đình.
Hà Nội hiện có tổng số trên 285.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 97%. Trong 4 năm, từ 2016-2019, Hà Nội có hơn 105.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tốc độ tăng đều qua các năm (khoảng 9%/năm).
Trong quý I/2020, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng rất lớn bởi tác động của dịch bệnh Covid-19.
Tăng trưởng kinh tế Thủ đô vẫn duy trì, song do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, nên hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kỳ.
Bạch Hiền (t/h)/SHTT