Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để đảm bảo ATTP nông lâm, thủy sản, năm 2019, Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội đã tích cực trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản. Cụ thể, đã xây dựng và phát triển được 766 chuỗi (tăng 223 chuỗi, tăng 41% so với năm 2018). Riêng thành phố Hà Nội duy trì và phát triển 138 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đã cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở, với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn Thành phố và các địa phương.
Sở NN&PTNT các tỉnh thành viên trong Ban điều phối tiếp tục tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố rà soát, quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và triển khai thực hiện công tác phát triển các vùng chuyên canh rau tập trung. Tăng tỷ lệ vùng rau đạt theo tiêu chuẩn GAP, quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ… nhằm mục đích phát triển sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
Đặc biệt, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thuỷ sản Hà Nội và các tỉnh, thành tăng cường nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý chất lượng, ATTP các sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ trên địa bàn theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn (trọng tâm là rau, thịt). Phối hợp thường xuyên trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý chất lượng, ATTP tham quan các mô hình chuỗi kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản tại các tỉnh như: Hải Phòng, Lâm Đồng, Hà Nam, Yên Bái, Thái Bình, Đà Nẵng…
Nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm nông lâm thủy sản từ sản xuất đến kinh doanh thông qua việc lấy mẫu giám sát điều kiện an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất (các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT lấy 4.281 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm chế biến để giám sát chỉ tiêu ATTP) đã phát hiện 238 mẫu vi phạm, chiếm tỷ lệ 5,5%, giảm mạnh với tỷ lệ năm 2018 (7,47%); trong đó phát hiện 18 mẫu vi phạm/298 mẫu có nguồn gốc ngoại tỉnh. Đối với các mẫu của các tỉnh vi phạm, đã được thông báo kịp thời cho các tỉnh để điều tra, truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm và có giải pháp khắc phục quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng, ATTP cung cấp cho người tiêu dùng.
Về công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP, các đoàn thanh kiểm tra do các Chi cục Quản lý chuyên ngành, Thanh tra Sở, UBND các quận, huyện... thực hiện đã thanh kiểm tra tại 20.923 lượt cơ sở, phát hiện 1.346 cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 6,4%). Lý do vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang... Qua đó đã tiến hành xử phạt hành chính với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Các đoàn kiểm tra cũng đã buộc phải tiêu hủy chục tấn sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ và khắc phục về nhãn trên nhiều lô sản phẩm không ghi đầy đủ các nội dung trên nhãn sản phẩm.
|
Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh. Ảnh minh họa |
Đồng thời đã thiết lập và hoàn thiện các tài khoản quản lý (Module) cho “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” và các chức năng cho các cấp quản trị theo các sở ngành. Thí điểm module theo dõi luồng di chuyển sản phẩm, xây dựng nhật ký sản xuất trực tuyến, minh bạch toàn bộ các công đoạn từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ... Đến nay, đã quản lý, cấp mã tài khoản quản trị cho 2.718 cho các cơ sở, HTX, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông lâm thủy sản an toàn (tăng 734 cơ sở so với cuối năm 2018). Đã cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho 867 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục tham gia www.check.gov.vn với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 7.228 mã sản phẩm (tăng 4.028 mã sản phẩm, tăng 34% so với năm 2018).
Trong lĩnh vực Thủy sản, Chi cục Thủy sản cũng tăng cường kiểm dịch, kiểm soát chất lượng thủy sản và kiểm soát nguồn gốc sản phẩm thủy sản được đưa vào thị trường nhằm giám sát tốt từ sản xuất giống, nuôi trồng đến khâu lưu thông, tiêu thụ thông qua Chốt kiểm dịch động vật thủy sản liên ngành số 1 tại Chợ cá Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội. Kết quả kiểm tra, kiểm soát cho thấy, các phương tiện, dụng cụ vận chuyển động vật thủy sản đều đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Động vật thủy sản trong quá trình vận chuyển vào chợ đều bình thường, không có dấu hiệu của bệnh. Về sản lượng động vật thủy sản tiêu thụ là 27.070 tấn thủy sản, tăng 6,9% so với năm 2018, các loại chủ yếu là cá trắm cỏ, cá chép, cá mè, cá trôi, cá rô phi, cá chim, diêu hồng, cá chuối hoa...
Đẩy mạnh hợp tác để bảo đảm ATTP
Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất vẫn còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap, ISO, GlobalGap, Hữu cơ... Chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp nên phần lớn hiện vẫn được tiêu thụ tại các chợ đầu mối của Hà Nội nhưng dưới hình thức không tem nhãn mác, không tiêu chuẩn chất lượng với giá khá thấp.
Việc triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất là hướng đi bền vững, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp; sự liên kết, kết nối còn thiếu bền vững.
Theo ông Tạ Văn Tường, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020. Với mục tiêu sản phẩm rau, thịt, nông sản đưa về tiêu thụ trên địa bàn thành phố được sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Năm 2020, Sở NN& PTNT Hà Nội và 21 tỉnh trong Ban Điều phối tập trung đẩy mạnh hợp tác trong công tác quản lý nhà nước trong nông nghiệp. Tổ chức các đoàn công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi, quản lý, sản xuất giống chăn nuôi, thủy sản; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn; tư vấn, phân tích, kiểm nghệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp...
Định hướng xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm và nâng cấp công nghệ chế biến. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi, thường xuyên chia sẻ thông tin để cùng nắm bắt diễn biến các loại dịch bệnh khi mới xuất hiện và hướng giải quyết để không lây lan diện rộng.
Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, đơn vị liên quan phát triển vùng sản xuất, chăn nuôi... đáp ứng tiêu chuẩn quy định (VietGAP; GlobalGAP; an toàn thực phẩm).
Năm 2019, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm nhằm tạo môi trường thuận lợi phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn. Cụ thể, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 198 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, phát hiện 64 cơ sở vi phạm. Lý do vi phạm chủ yếu như không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang... Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 64 cơ sở với số tiền gần 490 triệu đồng. |
Theo Thiện Tâm/VietQ