Cho trẻ đi khám hậu Covid-19: Nên hay không?

người đưa tin 14:22 23/03/2022

Hậu Covid-19 ở trẻ là vấn đề được nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm. Thực tế, có rất nhiều cha mẹ hiểu lầm và lo lắng quá mức.

Phụ huynh lo lắng thái quá

Một ngày Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận trên dưới 50 ca khám và chẩn đoán hậu Covid-19 ở trẻ em. Số lượng này ngày càng tăng nhanh do nhiều bậc cha mẹ lo lắng con mình có thể mắc các di chứng hậu Covid-19 sau khi con khỏi bệnh.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, BS. Đinh Thế Tiến, phụ trách phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, đa số các bé đến thăm khám có triệu chứng ho, chảy mũi, đau họng hoặc mệt mỏi kéo dài. Phần lớn trẻ em bị bệnh và các tình trạng hậuCovid - 19 chỉ ở mức độ nhẹ, tổn thương phổi nặng hiếm khi xảy ra.

Theo BS.Tiến, nhiều trẻ không có triệu chứng hoặc nếu có thì cũng chỉ cần dùng một số loại thuốc thông thường như hạ sốt, thuốc ho, thậm chí không cần sử dụng thuốc.

BS.Khanh cho rằng không nhất thiết trẻ bị Covid-19 xong là đi khám mà phải theo dõi các dấu hiệu bất thường.

Giải đáp thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ trong việc có nhất thiết phải đưa con đi khám hậu Covid-19 hay không, BS.Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) trả lời: “Theo tôi sau khi một em bé hết bệnh mà vui chơi, khỏe mạnh, chạy nhảy thì không cần thiết phải khám bệnh. Bởi lẽ, phụ huynh cần trả lời một câu hỏi, thông thường một em bé sau khi bị cảm và khỏi bệnh thì có cần khám lại hay không? Tôi cho rằng điều này là không cần thiết”.

Vị bác sĩ này cho rằng chỉ khi bố mẹ nhận thấy những dấu hiệu khác thường ở trẻ như: sốt, nôn ói, thở mệt, lúc đó thì hãy cho trẻ đi khám bệnh.

“Hoặc nếu cha mẹ muốn khám sức khỏe định kỳ cho con thì vẫn có thể khám bình thường, nhưng để thư thả hãy khám, không cần thiết phải lo lắng quá mức”, BS. Khanh nhấn mạnh.

Khi nào trẻ nên đi khám?

Đồng quan điểm với ý kiến trên BS. Đinh Thế Tiến cho rằng phụ huynh cần đưa trẻ đếm thăm khám hậu Covid-19 chỉ khi trẻ nhiễm Covid-19 có các triệu chứng kéo dài dai dẳng quá 4 tuần lễ kể từ ngày nhiễm. Hoặc 4 tuần sau nhiễm Covid-19 lại xuất hiện thêm các triệu chứng mới như sau:

Biểu hiện hô hấp: Ho kéo dài quá 4 tuần, đau tức ngực, khó thở khi gắng sức, hoặc ho ra bọt hồng, ho ra máu.

Biểu hiện tim mạch: Đau ngực, khó thở khi gắng sức, nhịp tim không đều, mệt mỏi nhiều.

Tâm thần kinh: Trẻ có biểu hiện như rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, giảm khả năng tập trung chú ý, học hành sa sút, tâm trạng tính tình thay đổi. Hoặc đau nhức đầu kéo dài quá 4 tuần, không giảm hoặc đau đầu mức độ nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ cần cho con đi khám.

Biểu hiện của đái tháo đường hoặc bệnh lý nội tiết: Tiểu nhiều, khát nhiều, uống nhiều, đói nhiều và sụt cân, mệt mỏi,

Phụ huynh cần đưa trẻ đếm thăm khám hậu Covid-19 khi thấy có các triệu chứng kéo dài dai dẳng quá 4 tuần kể từ ngày nhiễm.

Hội chứng viêm đa cơ quan: Trong vòng 2 tháng nếu trẻ khởi phát một đợt sốt quá 3 ngày không giảm kèm theo một loạt các triệu chứng ở các cơ quan khác như: Đỏ mắt, phát ban, môi - lưỡi đỏ, đau bụng - ói - tiêu chảy, ho - sổ mũi…

BS. Tiến cũng khuyến cáo cha mẹ đừng quá lo lắng với các di chứng hậu Covid ở trẻ em, vì các triệu chứng Covid và hậu Covidở trẻ em thường nhẹ và không trầm trọng.

Phụ huynh hãy theo dõi sát tình trạng của con, đảm bảo dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và cho con thời gian để hồi phục lại tình trạng sức khỏe. Cũng cần nhớ các dấu hiệu nặng cần tái khám ngay để không bỏ sót các triệu chứng nguy hiểm.

Cuối cùng, tuân thủ 5K và tiêm đầy đủ vắc-xin cho trẻ nếu có chỉ định, giúp ngăn ngừa tái nhiễm virus và các tình trạng bệnh lý khác theo mùa.

Vào tháng 10/2021 Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra khái niệm: “Tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở các cá thể có tiền sử nghi ngờ hoặc chẩn đoán xác định mắc SARS-CoV-2, thường 3 tháng kể từ khi bệnh khởi phát, với triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng mà không tìm được chẩn đoán thay thế”.

Với trẻ em, hậu Covid-19 là thuật ngữ để chỉ một nhóm triệu chứng tồn tại lâu dài (như mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở…) trẻ gặp phải sau mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng và có ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của trẻ. Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.

Tùy theo thời gian kéo dài các triệu chứng, có các thuật ngữ khác nhau:

Tình trạng Covid-19 cấp tính (Acute Covid-19): các triệu chứng xuất hiện trong vòng 4 tuần đầu kể từ ngày mắc đầu tiên. Tình trạng Covid-19 bán cấp/dai dẳng (Subacute/ongoing/persistent Covid-19): các triệu chứng diễn ra từ 4 đến 12 tuần kể từ ngày mắc đầu tiên.

Tình trạng Covid-19 mạn tính (Chronic Covid-19): các triệu chứng diễn ra sau 12 tuần kể từ ngày mắc đầu tiên, có thể kéo dài tới 6 tháng.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/cho-tre-di-kham-hau-covid-19-nen-hay-khong-a547270.html

Bạn đang đọc bài viết Cho trẻ đi khám hậu Covid-19: Nên hay không? tại chuyên mục Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Xã hội
Tin tức mới nhất