Chiều tối 24/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tổ chức họp báo sau ngày đầu tiên thực hiện chủ trương cho shipper tự xét nghiệm.
Lãnh đạo Sở Công Thương Tp.HCM cho rằng, chỉ đạo của UBND Tp.HCM giao tự xét nghiệm Covid-19 đối với shipper là nhằm giải quyết tình trạng quá tải ở các trạm y tế.
Do đó, Sở Công Thương và Sở Thông tin & Truyền thông sẽ giúp doanh nghiệp chủ động tổ chức cho shipper tự xét nghiệm. Người lao động phải nâng cao bảo vệ bản thân khi hoạt động, làm việc theo tiêu chí an toàn.
|
“Đây là chủ trương chính xác. Khi làm tốt sẽ giải quyết nhiều vấn đề với công tác kiểm tra kiểm soát tốt hơn qua áp dụng phần mềm”, ông Phương đánh giá.
Tuy nhiên, thời gian qua, Sở Công Thương nhận được nhiều phản ánh về việc shipper bị thu phí khi làm xét nghiệm Covid-19 trong khi quy định của UBND Tp.HCM là miễn phí cho đối tượng này.
Cụ thể, ngày 24/9, có một số phản ánh, kit test Covid-19 đã cấp miễn phí cho doanh nghiệp nhưng có 2 đơn vị thu phí shipper là 75.000 đồng/người.
Một doanh nghiệp lý giải do kit test Sở Công Thương giao bị chậm trễ, đến trưa 24/9 mới nhận được. Trước đó, doanh nghiệp có ký hợp đồng với Bệnh viện Lê Văn Thịnh nên yêu cầu shipper tới nơi này xét nghiệm. Một đơn vị khác lại yêu cầu shipper xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng với giá 75.000 đồng/người.
Từ sự việc này, lãnh đạo Sở Công Thương Tp.HCM đã làm việc lại với các doanh nghiệp quản lý shipper, đề nghị không thu bất cứ khoản phí nào của shipper. Trước mắt sẽ thu hồi lại kit test ứng với số tiền shipper bị thu phí.
Theo ông Phương, khi được phát kit test Covid-19 miễn phí, shipper sẽ tự xét nghiệm và chụp hình gửi về công ty để tải lên kho dữ liệu dùng chung.
Sở Công Thương và các Sở ngành sẽ kiểm tra, kiểm soát. Nếu có sai sót vi phạm sẽ xử lý như khóa app không cho hoạt động.
Cũng tại họp báo, tình hình hoạt động của các điểm tập kết hàng hóa tại 3 chợ đầu mối mà Tp.HCM đã cho hoạt động được cho là số lượng hàng hóa giao dịch còn hạn chế trong thời gian qua.
Lý giải về vấn đề này, ông Phương cho hay, sau khi có chủ trương tổ chức lại, các chợ đầu mối được xây dựng thành điểm tập kết hàng hóa với quy định phòng chống dịch chặt chẽ.
Ba nơi có đặc điểm khác nhau, Chợ Thủ Đức mở đầu tiên rồi đến Chợ Bình Điền và cuối cùng là Chợ Hóc Môn. Số lượng hàng hóa còn hạn chế vì nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất là do nhu cầu hàng hóa. Nguồn ra của chợ đầu mối là luân chuyển về chợ truyền thống nhưng nhóm này đang tạm ngưng hoạt động khá nhiều nên đầu ra chợ đầu mối cũng gặp khó khăn, chỉ chủ yếu đưa hàng về bếp ăn tập thể, bếp ăn bệnh viện.
Thứ hai, một số thương nhân do tình hình dịch phức tạp nên còn e ngại khi hoạt động mua bán trở lại.
Thứ ba, một số nhà cung cấp, người lao động của tiểu thương không quay lại thành phố, ảnh hưởng đến việc tổ chức nhân sự hoạt động.
Cuối cùng, các quy định khi vào điểm tập kết này phải xét nghiệm, giãn cách, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ nên tạo ra tâm lý dè chừng, thương nhân thăm dò thị trường.
“Khi các chợ truyền thống quay lại hoạt động, nhu cầu hàng hóa cần được giải quyết thì năng suất của điểm tập kết tại chợ đầu mối sẽ có biến chuyển tích cực hơn”, ông Phương nhận xét.
Đại diện Sở Công Thương Tp.HCM khẳng định, sẽ đồng hành với các chợ để hỗ trợ tiểu thương hoạt động, cố gắng duy trì đảm bảo an toàn.
Từ việc tìm hiểu khó khăn của từng chợ để có giải pháp, Tp.HCM cố gắng duy trì hoạt động của điểm tập kết hàng hóa tại chợ đầu mối để khi hệ thống chợ truyền thống quay lại hoạt động sẽ đưa hàng về nhanh hơn, không bị động trong việc đáp ứng hàng hóa cho người dân.