Sau hơn 01 năm xảy ra vụ trộm cắp tài sản tại Công ty TNHH Thương mại Nguyên Sơn, ngày 29/7/2020, Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc mới mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự Nguyễn Văn Tâm trộm cắp tài sản.
Tóm tắt vụ việc
Nguyễn Văn Tâm (SN 1991, trú tại thôn Trung Hậu, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) vào làm công nhân tại xưởng máy của Công ty TNHH Thương mại Nguyên Sơn (xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc) từ năm 2014. Qua quá trình làm việc, với sự nhiệt tình và tháo vát, Tâm nhanh chóng được lãnh đạo Công ty tin tưởng, giao phục trách những công việc quan trọng và kèm theo đó là chế độ đãi ngộ cao.
|
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Thanh Hiệp |
Tuy nhiên vì ham chơi nên kiếm bao nhiêu tiền cũng tiêu hết ngay, và không biết từ lúc nào, Tâm đã nảy sinh ý định ăn cắp tài sản của công ty. Sau một thời gian nghiên cứu kỹ quy luật hoạt động của mọi người trong Công ty, và dựa vào vai trò quan trọng của mình, trong hai ngày 07, 08/5/2019, Tâm đã tiến hành hai vụ trộm cắp tài sản của Công ty, đó là những chiếc mô tơ giảm tốc các loại. Cùng tham gia trợ giúp có Ng.V.G.. Quá trình trộm cắp của Tâm được đánh giá khá tinh vi, xảo quyệt bởi có sự nghiên cứu và chuẩn bị kỹ càng, cẩn thận cùng sự lựa chọn người tham gia, nhằm mục đích để an toàn tuyệt đối về thông tin.
Theo hồ sơ vụ án cho biết: Lần trộm cắp thứ nhất: Vào khoảng 9h ngày 07/5, lợi dụng lúc xưởng chỉ có anh Bùi Văn Hậu làm việc, Tâm đã ngắt điện camera rồi điều khiển cẩu trục để đúc sẵn những môtơ vào bao tải dứa và để ở một chỗ, sau đó lại cắm điện camera như bình thường, đợi thời cơ thích hợp sẽ chuyển ra khỏi xưởng. Khi thấy thời cơ đã đến, do anh Hậu ra ngoài mua vật liệu nên trong xưởng không có ai, Tâm lại ngắt điện camera an ninh và gọi điện cho G. đem ôtô đến chở hàng về nhà cất giữ và đã đem đi tiêu thụ trót lọt.
Lần trộm cắp thứ hai: Vào khoảng 8h ngày 08/5, lúc này chỉ có 02 công nhân làm việc tại xưởng, Tâm lại tiếp tục áp dụng chiến thuật như hôm trước và đã chuyển trót lọt số môtơ trộm cắp được về nhà. Do có người nhìn thấy và nghi ngờ về hành vi trộm cắp của Tâm nên đã báo việc này cho Công an huyện Yên Lạc.
Sau khi xác minh, bằng nghiệp vụ điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lạc đã bắt giữ Nguyễn Văn Tâm ngay trong ngày. Qua đấu tranh, khai thác, Tâm khai sau khi cất giấu hàng trộm cắp ở nhà, Tâm sử dụng sim khuyến mãi (không rõ chính chủ) liên lạc với một người tên là Hiếu (ở Hà Nội) để phối hợp và tiêu thụ thông qua một ôtô khách chạy về Hà Nội. Do Tâm khai đã vứt điện thoại nên không nhớ thông tin về người tên là Hiếu cũng như thông tin xe khách thường gửi hàng trộm cắp.
Tại kết luận của Hội đồng định giá tài sản Số 24,25 ngày 16/5/2019: Tổng số mô tơ trộm cắp là 34 chiếc; giá trị tài sản là 53.250.000 đồng. Và tại phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm ngày 29/7/2020, Nguyễn Văn Tâm bị tuyên án 02 năm tù (Theo điểm c khoản 2 Điều 173; điểm b,s khoản 1,2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52) Bộ Luật Hình sự).
Liệu phiên tòa có bỏ lọt tội phạm?
Tuy nhiên, điều mà mọi người có mặt tại phiên tòa rất băn khoăn, đó là có hay không vai trò đồng phạm của Ng.V.G., và số tài sản mà bị cáo Tâm trộm cắp thực sự là bao nhiêu thì cũng chưa được xem xét thấu đáo.
Theo nhận định của Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Thành Hiệp, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội: Ngay từ thời điểm phát hiện vụ việc, khi biết bị cáo Tâm và G. (người tình nghi đồng phạm) thì cơ quan điều tra cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn (quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ Luật TTHS 2015) để cách ly hai người này, nhằm ngăn chặn thông cung. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra đã không thực hiện bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào. Như vậy đã dẫn đến khó khăn trong việc xác định người đồng phạm.
Ngoài ra, Luật sư Hà cũng nêu ra 2 vấn đề quan trọng có dấu hiệu vi phạm. Thứ nhất, về tố tụng: Đó là quá trình thực nghiệm điều tra đã không thực hiện theo hình ảnh của camera để xác định số lượng hàng bị mất. Cụ thể: Việc trộm cắp trong 02 ngày đều được camera của hộ dân bên cạnh ghi lại. Nhưng qua quá trình thực nghiệm hiện trường, Cơ quan CSĐT chỉ sử dụng kết quả theo lời khai của bị cáo. Như vậy là không đảm bảo tính khách quan, không xác định đúng bản chất sự việc. Bởi kết quả hình ảnh thực nghiệm và hình ảnh do camera hộ dân cung cấp khác nhau rất nhiều, theo hướng số lượng bị mất tăng nhiều. Điều này rất phù hợp với lời khai của bị cáo do đã tẩu tán một lượng nhất định.
Thứ hai, về nội dung: Số môtơ từ hình ảnh camera thu được là lớn hơn rất nhiều so với thực nghiệm. Hơn nữa, tuy Tâm và G. khai không có sự bàn bạc thống nhất về việc trộm cắp, nhưng nếu là việc của Công ty thì tại sao G. lại phải giúp Tâm, trong khi G. không có xe ôtô, phải đi mượn xe của bố vợ. G. cũng biết và buộc phải biết Tâm không phải là chủ sở hữu tài sản của Công ty, và khi đến lấy hàng không có bất kỳ ai ở xưởng… Qua đó cho thấy kể cả trong trường hợp không có sự bàn bạc từ trước thì khi đến xưởng chở hàng thì G. đã hiểu và tiếp nhận ý chí của Tâm. Chính vì những lẽ trên có nhiều mâu thuẫn như vậy mà Cơ quan CSĐT vẫn để hai người có khả năng thông cung.
Còn về việc xác định số lượng đã tiêu thụ thông qua người tên là Hiếu, Cơ quan CSĐT cho rằng Tâm đã vứt điện thoại nên không nhớ số điện thoại của nhà xe, không nhớ số điện thoại của người đã mua môtơ nên không xác định được số hàng đã tiêu thụ.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Công ty Nguyên Sơn cho rằng: 02 năm tù là bản án quá nhẹ so với kẻ tinh vi, xảo quyệt như Tâm. Nhưng điều băn khoăn lớn nhất là với một số lượng hàng trộm cắp nhiều, cồng kệnh, nặng; đặc biệt phải có sự trao đổi, sắp xếp rất ăn ý giữa Tâm, G. thì số lượng hàng mới được đem ra khỏi công ty trót lọt giữa ban ngày như vậy. Thế nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng không xác định được có tòng phạm? Đây là điều ông Hưng cũng như rất nhiều người tham dự cảm thấy băn khoăn, ngờ vực khi rời phiên tòa.
Theo SHTT