Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM lạm quyền
Thông tin này được Thanh tra Chính phủ cho biết, tại văn bản số 757/KL-TTCP kết luận về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM. Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM lạm quyền, vi phạm quy định tại dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn làm chủ đầu tư và thực hiện việc giải phóng mặt bằng.
|
Theo Thanh tra Chính phủ, dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch là khu liên hợp sân golf – thể thao và nhà ở vào năm 2001, theo quyết định số 57/QQĐ-TTg. Sau đó, ngày 15/2/2017, Thủ tướng có văn bản số 224/TTg-CN chấp thuận cho điều chỉnh thành dự án khu đô thị.
Kết quả thanh tra cho thấy, UBND TP.HCM có quyết định số 6292/QD-UBND ngày 30/11/2015 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị Sài Gòn Bình An, phường An Phú, quận 2. Trong đó, UBND TP.HCM phê duyệt tầng cao xây dựng tối đa là 30 tầng trước khi có văn bản số 305/TC-QC ngày 1/9/2016 của Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu về việc chấp thuận độ cao tĩnh không xây dựng công trình là thực hiện không đúng trình tự, quy định tại Khoản 5, Điều 4, Nghị định 20/2009/ND-CP ngày 23/2/2009 của Chính phủ.
Ngoài ra, UBND TP.HCM không phê duyệt diện tích sàn dành cho đậu xe đối với khối nhà ở, nhà chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ là chưa phù hợp quy định và đảm bảo diện tích đỗ xe được quy định tại điểm 3, Khoản 2.8.6, Mục 2.8, Chương II của Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam.
Thanh tra Chính phủ cũng nói rằng, do thay đổi hướng tuyến đường dẫn cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây, dẫn đến việc chồng lấn ranh quy hoạch của dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An đã được Thủ tướng giao đất tại số 57/TTg-KTN ngày 12/1/2001. Trong đó, có 7.228,3 m2 thuộc dự án được UBND quận 2 đền bù trước đó nhưng không sử dụng do thay đổi hướng tuyến đường.
Đồng thời, UBND TP đã thu hồi 35.773 m2 đất của dự án được chủ đầu tư đền bù, giải phóng mặt bằng, làm đường. Việc này dẫn đến làm thay đổi diện tích đất của dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An so với quyết định thu hồi và giao đất của Thủ tướng.
Do vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP.HCM xem xét để xử lý theo thẩm quyền, trong đó bồi thường cho chủ đầu tư dự án phần diện tích 35,773m2 do thay đổi hướng tuyến đường cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây. Song song đó là tiếp tục xem xét để giao cho nhà đầu tư 7.228,3m2 đất thuộc quy hoạch của dự án đã được Thủ tướng chấp thuận tại văn bản 224/TTg-CN ngày 15/2/2017 do UBND quận 2 thực hiện đền bù. Trên cơ sở đó, UBND TP tính tiền sử dụng đất theo quy định, tránh kéo dài đầu tư xây dựng, lãng phí đất và tài sản của nhà nước.
Về quản lý môi trường, theo quy định, dự án do Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư thì phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên – Môi trường. Tuy nhiên, ngày 28/4/2016, Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM có quyết định số 1038/QD-TCMT -CCBVMT phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án. Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc này là không đúng thẩm quyền, vi phạm quy định tại Khoản 1, Phụ lục số III, Nghị định 18/2015/ND-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ.
Ngày 15/2/2017, Thủ tướng có văn bản số 224/TTg-CN chấp thuận đầu tư dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An, tuy nhiên đến thời điểm thanh tra, Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM và UBND TP.HCM chưa thực hiện các thủ tục đầu và chưa tính, thu tiền sử dụng đất theo quy định. Lý do là việc đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài từ năm 2004 đến năm 2015 và trong thời gian đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 867/TTg-KTN ngày 18/6/2015 chấp thuận điều chỉnh quy hoạch sân golf thành dự án khu đô thị.
Đến thời điểm thanh tra, dự án đã và đang thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật và nhà ở. Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP.HCM xem xét xử lý đối với các tồn tại, vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo, thực hiện xác định để thu tiền sử dụng đất và xử lý các vấn đề còn tồn tại của dự án theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Trong đó, có việc thực hiện trình tự, thủ tục của dự án theo quy định sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tường tại văn bản 2241TTg - CN ngày 15/2/2017.
Bóng dáng Tập đoàn Him Lam
Khu đô thị Sài Gòn Bình An được quy hoạch trên tổng diện tích 117 ha, được chia thành hai khu vực gồm khu nhà ở 22 ha với 193 nền biệt thự, nhà liên kế sân vườn và 2 block chung cư với 132 căn hộ cao cấp, 8 căn penthouse; khu liên hợp sân golf rộng 92 ha với các công trình khu nghỉ dưỡng spa, sân golf 18 lỗ,… Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư.
Khu đô thị Sài Gòn Bình An được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Sản xuất Thiên Hải cùng các công ty liên doanh khác để thực hiện dự án trên khu đất có tổng diện tích 120 ha nằm trên địa bàn phường An Phú vào tháng 1/1999.
Sau đó, dự án được các cơ quan chức năng chấp thuận thêm phần tiện ích sân golf An Phú dẫn đến phần diện tích dự án tăng lên 137 ha vào năm 2000.
Trên cơ sở này Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn đã ban hành quyết định thu hồi, giao đất cho SDI Corp để thực hiện dự án tại Quyết định 57/QĐ-TTg ngày 12/1/2001.
Lúc này, Khu đô thị Sài Gòn Bình An có tên gọi là Khu liên hợp sân Golf – Thể dục thể thao và nhà ở (tên thương mại là Saigon Golf Country Club and Residences).
Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, tổng diện tích khu đất chỉ còn khoảng 117 ha theo Quyết định số 6296/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 30/11/2015. Đến nay, sau hơn 20 năm triển khai, dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An đã được khởi công.
Theo tìm hiểu, công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI) do 1 pháp nhân và 6 cá nhân góp vốn sáng lập, gồm: Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Sản xuất Thiên Hải (nay là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải) và các cá nhân: Lê Thu Hà, Nguyễn Thanh Mi, Nguyễn Việt Chi, Phùng thị Quỳnh Yến, Trần Thị Ý Chi, Vũ Thị Ngọc Anh.
Tháng 6/2019, SDI tiến hành tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 845 tỷ đồng lên thành 3.845 tỷ đồng, với hầu hết cổ phần thuộc sở hữu của Công ty CP kinh doanh Địa ốc Him Lam (thuộc Tập đoàn Him Lam của địa gia Dương Công Minh).