Khái niệm "Black Friday" lần đầu được sử dụng vào ngày 24/9/1869. Hai nhà đầu tư Jim Fish và Jay Gould đẩy giá vàng lên cao, gây ra một vụ khủng hoảng.
Thị trường chứng khoán sụt 20%, hoạt động ngoại thương ngừng lại. Nông dân mất 50% giá trị lúa mì và ngô thu hoạch được. Ước tính, Jay Gould thu lợi nhuận tới 12 triệu USD trong ngày này.
Những năm 50, cảnh sát Philadelphia dùng cụm từ "Black Friday" để nói về ngày giữa Lễ Tạ ơn và trận thi đấu bóng bầu dục Army-Mavy game.
Một lượng lớn người hâm mộ và du khách đổ xô về thành phố vào ngày thứ 6 này khiến cảnh sát phải làm việc trong nhiều giờ để giải tỏa đám đông và tắc đường.
Ngay lập tức, giới kinh doanh Hoa Kỳ cho quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng về ngày này và đồng loạt khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.
Cuối những năm 80, Black Friday lan rộng khắp nước Mỹ với ý nghĩa tích cực là ngày mua sắm siêu rẻ. Vào ngày Black Friday, các nhãn hàng treo biển giảm giá mạnh từ 20-50%, thậm chí 60 - 80%. Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm giá sâu, chủ thương hiệu còn thực hiện một số công việc khác phục vụ cho ngày 'Thứ Sáu đen tối' này, để giảm sâu nhưng vẫn có lợi nhuận.
Bán hàng tồn, hãng cũ, lỗi mốt, thiếu size
Việc giảm giá không hào nhoáng như mọi người vẫn nghĩ. Rất nhiều khách hàng háo hức đến ngày này nhưng khi vào xem hàng chỉ có những mẫu hàng tồn, cũ và lỗi mốt mới có mức giảm sâu. Còn hàng mới chỉ giảm khoảng 5-20%. Việc giảm giá như vậy một phần cũng nhằm quảng bá hàng mới đến khách hàng.
Ngoài ra, những nhà bán lẻ có thể được nhãn hàng trợ giá khoảng 20-30% để giảm giá mạnh, đặc biệt là với mặt hàng đồ điện tử.
|
Khách hàng tăng mạnh vào ngày Black Friday hàng năm. |
Đây chính là lý do vì sao ngay cả các nhà phân phối tư nhân cũng có thể giảm giá cực kỳ sâu trong những dịp này nhưng vẫn có lãi.
Ngoài ra, khi mua hàng, người tiêu dùng cũng nên kiểm tra kỹ tình trạng hàng trước khi thanh toán. Bởi hàng khuyến mại sẽ không được đổi trả, hoặc nếu có đổi trả được thì cũng sẽ không còn size.
Quảng bá nhiều nhất những sản phẩm có số lượng hạn chế
Thêm nữa, các mặt hàng được quảng cáo nhiều nhất thường là những sản phẩm hạn chế về số lượng và sẽ được bán hết vài phút trước giờ mở cửa.
Ở Việt Nam, vào ngày Black Friday, nhiều người săn hàng cả buổi, vào tới cả chục cửa hàng khác nhau nhưng cuối cùng lại không mua được thứ ban đầu mình muốn mua. Bởi, hầu hết những mẫu được quảng bá rầm rộ, thu hút khách hàng lại là những sản phẩm có số lượng cực kì hạn chế và bán hết rất nhanh, thậm chí bán sạch trước giờ mở cửa.
Đây cũng chính là một trong những chiêu móc sạch tiền trong ví của người tiêu dùng được các nhà bán lẻ áp dụng vào ngày Black Friday hàng năm. Bởi lẽ, nếu không thể đến cửa hàng sớm, xếp hàng dài dưới trời gió rét, bạn sẽ không mua được đúng sản phẩm mà mình cần, hoặc là bạn sẽ ra về tay không trong thất vọng, hoặc là bạn sẽ “đốt” thêm tiền vào đống sản phẩm khác mà bạn không hề có ý định mua ban đầu.
Có mặt hàng bán riêng cho ngày Black Friday
CNN và Forbes cho hay, các hãng bán lẻ lớn thường bán hàng điện tử "đặc biệt", được sản xuất bởi thương hiệu lớn chỉ dành riêng trong Black Friday. Không may, theo CNN, các mặt hàng điện tử giảm giá trong ngày Black Friday thường có chất lượng thấp hơn bình thường. Trong ngày Black Friday, có không ít người Mỹ phải chờ từ 4h sáng để mong có thể “tậu” cho mình một món đồ giá rẻ.
Theo đó, để có thể giảm giá khủng dịp Black Friday, nhiều nhà bán lẻ còn đặt hàng nhà sản xuất sản xuất cả tivi, với giá khuyến mãi cực kì hấp dẫn cho kiểu dáng y hệt dòng sản phẩm mà bạn vẫn thấy. Nhưng chúng thường có chất lượng màn hình kém hơn hoặc thiếu những tính năng nổi bật.
Vì thế, nếu tivi hay đồ điện tử vào Black Friday, hãy nghiên cứu thật kỹ model của sản phẩm. Nếu model này chỉ có một nhà sản xuất duy nhất cung cấp, bạn hãy thay đổi quyết định.
Với những “bí mật đen tối” trên, khi mua hàng Black Friday khách cần lưu ý, tìm hiểu kỹ để tránh mất tiền mua những món đồ khuyến mãi ảo.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ