Giải ngân vượt định mức, chưa đăng tải trên hệ thống đấu thầu quốc gia
Theo Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, thực hiện Quyết định số 120/QĐ-SKHĐT ngày 26/8/2000 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình về việc kiểm tra, giám sát đầu tư một số dự án công, tại Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình năm 2020. Tại đây, đoàn kiểm tra đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng vốn đầu tư.
Trước hết, tại dự án xây dựng hệ thống chống tràn, bảo đảm an toàn cho khu vực phía bờ trái sông Đà, thành phố Hòa Bình (đoạn bờ sông từ Cảng Nghiêng - Cầu Đúng; Cảng Chân Dê - Đê Ngòi Dong; Cảng Nghiêng - điểm giao đường Hoàng Văn Thụ). Khởi công vào tháng 8/2019, hoàn thành vào tháng 12/2019.
|
Dự án xây dựng hệ thống chống tràn, bảo đảm an toàn cho khu vực bờ trái sông Đà, thành phố Hòa Bình bộc lộ nhiều sai phạm. |
Theo biên bản làm việc, cơ quan kiểm tra đã nêu rõ; Tổng dự toán được duyệt của dự án này là 44 tỷ 550 triệu đồng, nhưng tổng giá trị hợp đồng xây lắp lại là 58 tỷ 686 triệu đồng. Giá trị hợp đồng đối với Công ty TNHH MTV Xây dựng và Đầu tư Cộng Lực là 11 tỷ 209 triệu đồng, giải ngân cho công ty này là 14 tỷ 643 triệu đồng.
Nói cách khác, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Đầu tư Cộng Lực được giải ngân vượt mức giá trị hợp đồng 3 tỷ 434 triệu đồng, sai số với tổng mức dự toán được duyệt cả chục tỷ đồng, trong khi công trình đến thời điểm hiện tại còn đang bỏ dở.
Đồng thời, dự án này còn chưa được đăng tải thông tin lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (về kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu có hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn).
Đây là điều khá bất ngờ, bởi theo điểm a khoản 1 điều 22 luật đấu thầu năm 2013, và khoản 1 điều 56 Nghị định số 63/2014/ND - CP ban hành ngày 26/06/2014 đã nêu rõ:
“Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, có thể áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn nhằm lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của gói thầu để mời tham gia đấu thầu. Việc áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn do người có thẩm quyền quyết định và phải được ghi rõ trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu”.
Quy định này còn nêu rõ, đối với đấu thầu rộng rãi phải lập hồ sơ mời sơ tuyển, trong đó hồ sơ mời sơ tuyển bao phải bao gồm các nội dung, thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu; chỉ dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ dự sơ tuyển; tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu.
Trong đó, sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển. Trong tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển phải quy định mức tối thiểu để đánh giá là đạt đối với từng nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu.
Nghiêm trọng nhất, đoàn kiểm tra còn chỉ rõ những thiếu sót trong từng giai đoạn thực hiện gói thầu, mà trách nhiệm thuộc về Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư.
Cụ thể, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự án chưa cập nhật thông tin về hợp đồng của các gói thầu, tổng mức đầu tư và tình hình giải ngân các gói thầu.
Bên cạnh đó, giai đoạn thực hiện đầu tư, dự án chưa cập nhật về trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông tin về gói thầu, hợp đồng và tình hình thực hiện của các gói thầu. Ngoài ra, dự án còn không thực hiện đầy đủ báo cáo giám sát định kỳ theo tháng, theo quý và theo năm, không báo cáo đánh giá giám sát trước khi khởi công.
Không những thế, đến thời điểm hiện tại dự án này vẫn chưa được giải phóng mặt bằng trên tuyến dọc hai bờ suối Đúng (có chiều dài khoảng 1.181,22m), do có sự tranh chấp về đất đai của các hộ dân, nên hiện tại vẫn chưa trển khai thi công được. Cùng với đó, đoạn tường chắn sóng Tuyến 2 và đầu Tuyến 3 không thi công do chồng lấn tuyến đường lăn đê thuộc Dự án Xây dựng cầu Hòa Bình 2.
Từ đó, đoàn kiểm tra kiến nghị chủ đầu tư dự án, thực hiện nghiêm túc công tác giám sát và đánh giá đầu tư dự án theo quy định tại Nghị định 84/2015/TT-BKHDT của Bộ kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư; cũng như nghiêm túc tổ chúc rút kinh nghiệm về những tồn tại sai phạm nêu trên.
Đây là những thiếu sót vô cùng nghiêm trọng, nó ảnh hướng rất lớn đến chất lượng và tiến độ của dự án, ngoài ra nó cón gây thiệt hại của nhà nước hàng tỉ đồng. Và để xảy ra điều này thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với phóng viên về nội dung này, Ông Trần Văn Vượng - Phó ban quản lý dự án ĐTXD các công trình nông nghiệp và phát trển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết: “Dự án này đã dừng hẳn không thi công nữa, phần nào đã thi công thì thanh toán khối lượng cho nhà thầu, phần nào chưa thi công thì trả lại cho UBND tỉnh”.
Ông Vượng còn cho rằng: “Đây là dự án có nhiều vấn đề khó nhằn”.
Câu trả lời của Ông Vượng làm chúng tôi khá bất ngờ, bởi ông chính là người được giao phụ trách Dự án xây dựng hệ thống chống tràn, bảo đảm an toàn cho khu vực bờ trái sông Đà, thành phố Hòa Bình.
Không dừng lại ở đó, Phóng viên tiếp tục liên hệ với giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng và đầu tư Cộng Lực, vị giám đốc của Công ty này cho biết: “Tôi đang đi công tác không có nhà, con số chính xác tôi không nhớ, chỉ biết là đã nhận giải ngân qua kho bạc hơn chục tỷ đồng, các anh muốn biết chính xác hãy làm việc với chủ đầu tư và Kho bạc nhà nước tỉnh Hòa Bình”.
Trong kết luận đoàn kiểm tra đã nêu ra hàng loạt sai phạn liên quan đến Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình. Vậy để xảy ra nhưng sai phạm nghiêm trọng như kể trên thì người đứng đầu của đơn vị này chịu hình thức kỷ luật như thế nào?
Cần xem xét trách nhiệm các đơn vị liên quan
Về vấn đề này, trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, báo chí có nhắc đến việc dự án này còn chưa được đăng tải thông tin lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (về kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu có hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn). Đây là vấn đề cần phải xem xét. Tại sao một dự án lớn như vậy các thông tin lại chưa được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Phải chăng ở đây có khuất tất gì?
"Đấu thầu là hình thức cạnh tranh văn minh trong nền kinh tế thị trường, là một phương thức giao dịch đặc biệt dành cho các giao dịch quy mô lớn đòi hỏi hiệu quả và minh bạch. Việc đấu thầu công khai trên mạng đấu thầu quốc gia cũng là một hình thức để hạn chế việc "quân xanh, quân đỏ" trong đấu thầu. Vậy, tại sao gói thầu trên lại không được đưa lên mạng đấu thầu quốc gia", Luật sư Huy An đặt câu hỏi.
Theo ý kiến các luật sư, trước vấn đề này, cần phải xem xét trách nhiệm của Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình. Vì sao đến nay dự án lại chậm trễ đến như vậy. Trách nhiệm cụ thể thuộc về cá nhân nào và hình thức xử lý ra sao.
Đây là những câu hỏi mà cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cần làm rõ.
Minh Anh/SHTT